Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống trẻ sơ sinh nội tạng nằm ngoài ổ bụng

(Baonghean.vn) - Ngay từ khi sinh ra đã không có thành bụng, đường ruột, nội tạng nằm hết bên ngoài, bé sơ sinh con chị Lô Thị H. (22 tuổi, thị xã Hoàng Mai) đã được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống một cách diệu kỳ.
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, trong phòng đặc biệt vô khuẩn của Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, em bé sơ sinh con sản phụ H. nằm lọt thỏm giữa những chiếc máy to. Cơ thể bé bỏng của trẻ phập phồng theo từng nhịp thở dồn dập, nặng nhọc đón nhận luồng ôxy được cung cấp từ chiếc máy thở.
Điều đặc biệt hơn, là trên bụng con có chiếc túi rất đặc biệt, bao bọc các cơ quan nội tạng đang bị lòi ra ngoài, và đang được treo cao lên để kéo căng, tăng cường chức năng giãn nở, đàn hồi cho thành bụng, đồng thời để khối thoát vị ruột tự đẩy dần dần vào trong. Căn phòng bé điều trị cũng đặc biệt: vô khuẩn tối đa, không thăm nom, chỉ có em và y, bác sĩ điều trị. Sự sống em thoi thóp theo từng nhịp thở yếu ớt.
Cháu bé được điều trị trong phòng đặc biệt vô khuẩn của Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa. Ảnh: Hoàng Yến
Cháu bé được điều trị trong phòng đặc biệt vô khuẩn của Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa. Ảnh: Hoàng Yến
Trước đó, ngày 24/6, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận sản phụ Lô Thị H. vào viện trong tình trạng thai 36 tuần, có biểu hiện chuyển dạ, đau bụng từng cơn... Quá trình khám thai, ở tuần thứ 27, vợ chồng chị H. có đi khám, được chẩn đoán dị tật khe hở thành bụng - một trong những khiếm khuyết lớn của trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong sau sinh rất cao.
Với quyết tâm “còn nước còn tát”, dù biết bệnh lý của em bé trong bụng “lành ít, dữ nhiều”, nhưng gia đình vẫn quyết tâm theo dõi và lựa chọn bệnh viện chuyên khoa uy tín để hạ sinh an toàn cho mẹ, cũng như cấp cứu điều trị ngay sau sinh cho con.
Ngay khi nhập viện, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã siêu âm, phát hiện sự bất thường của thai nhi nên tổ chức hội chẩn khẩn liên khoa Sản, Ngoại, Hồi sức Ngoại, Gây mê để đi đến chỉ định mổ cấp cứu lấy thai. Ca mổ đẻ tiến hành ngay sau đó. Sản phụ Lô Thị H. sinh non 36 tuần tuổi, nhẹ cân 2 kg; thành bụng bé có lỗ khuyết khiến cho toàn bộ đường ruột lòi ra ngoài...
Nếu bé không được phẫu thuật, làm túi phủ kịp thời, chậm nhất là vài giờ sau khi phát hiện, thì chắc chắn tình trạng các cơ quan nội tạng bị phơi ra ngoài như vậy sẽ dẫn đến mất nước, nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng. Trong trường hợp này, các bác sĩ chưa thể đẩy các cơ quan nội tạng bị thoát vị trở lại vào trong ổ bụng rồi khâu lại, bởi các nội tạng quá lớn so với thể tích của bụng, thì khi đưa trở lại bụng sẽ như hiện tượng “bó giò”, gây áp lực quá lớn, có thể gây hoại tử ruột, trẻ sẽ gặp nguy hiểm.
Phẫu thuật. Ảnh Hoàng Yến
Các bác sĩ phẫu thuật đưa ruột trở lại ổ bụng. Ảnh: Hoàng Yến
Phương án phẫu thuật lần 1 đã được các bác sĩ triển khai ngay sau khi bé chào đời. Các bác sĩ tiến hành hồi sức khẩn cấp, giữ thân nhiệt, vô trùng phần ruột sa ra ngoài. Các bác sĩ đã sử dụng túi đựng vô trùng, khâu hẹp miệng túi, treo cao để tạo áp lực đẩy ruột từ từ vào trong ổ bụng, cũng như tăng cường chức năng thành bụng.
Đến ngày 5/7, sau 10 ngày thực hiện ca mổ đầu tiên, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức Ngoại khoa. Đánh giá thể trạng của bệnh nhi tốt hơn, các bác sĩ thực hiện ca mổ thứ hai đưa ruột trở lại ổ bụng. Thành bụng được khép kín, trở thành “tấm khiên” bảo vệ nội tạng trẻ an toàn như đúng chức năng ban đầu của cơ thể.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Thắng - Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa cho biết: Dị tật khe hở thành bụng được coi là dị tật hiếm gặp. Quá trình mổ sửa chữa dị tật này đòi hỏi bác sĩ có tay nghề phẫu thuật nhi và chăm sóc hồi sức sơ sinh chuyên môn cao. Bởi trẻ bị khe hở thành bụng bẩm sinh có rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng và khó sống sót. Để thực hiện ca mổ thành công, bệnh viện đã có sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của các chuyên khoa hệ Sản - Nhi.
cân nặng. Ảnh Hoàng Yến
Dù phải trải qua 2 ca phẫu thuật, nhưng cháu vẫn tăng cân từ 2.000g lên 2.500g. Ảnh: Hoàng Yến
“Tôi cũng không biết vì sao cháu tôi lại bị dị tật như thế, gia đình tôi xưa nay có ai bị làm sao đâu. Cứ ngỡ là hy vọng cứu cháu vụt tắt, không nghĩ rằng có ngày cháu tôi được ra viện về nhà. Ngày hôm nay, cháu đã sống, có thể bú sữa bình, từ 100ml -120ml/ cữ. Dù phải trải qua 2 ca phẫu thuật, nhưng cháu vẫn tăng cân từ 2.000g lên 2.500g. Đó là thành quả của các cô chú y, bác sĩ bệnh viện. Gia đình rất cảm ơn" - bà ngoại cháu bé vui mừng chia sẻ.
Với kinh nghiệm chuyên sâu về phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa sâu Sản và Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực con người và cơ sở vật chất hiện đại để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho sản phụ và trẻ sơ sinh trong thời gian tới./.

Tin mới