Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Phẫu thuật thành công sản phụ bị rau cài răng lược nguy hiểm

(Baonghean.vn) - Chị P.T.D. (32 tuổi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vừa trải qua ca phẫu thuật lấy thai lần 3, ở mốc 37 tuần, đầy nguy hiểm do bị rau cài răng lược thể Percreta (thể nặng nhất). Biến chứng thai kỳ vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Thông tin từ Khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Một trường hợp nhau cài răng lược đặc biệt nặng, xuyên hết lớp cơ tử cung, xâm lấn ra đến bàng quang, với nguy cơ chảy máu sau sinh, đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con đã được các bác sĩ chuyên Khoa Sản, Gây mê, Hồi sức ngoại, Sơ sinh cứu sống.

Kiểm tra vết mổ cho sản phụ. Ảnh: Hoàng Yến
Kiểm tra vết mổ cho sản phụ. Ảnh: Hoàng Yến
Theo đó, sản phụ P.T.D. được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng thai 37 tuần đang phát triển. Với tiền sử 2 lần sinh mổ trước đây, trong quá trình mang thai lần này, sản phụ ít khi thăm khám, nên ở tuần thai 32, sản phụ mới phát hiện tình trạng rau cài răng lược và được bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tư vấn về vấn đề phức tạp chị đang mắc phải. Thời điểm đó, sản phụ được hướng dẫn nhập viện sớm để theo dõi thai sát sao.
Đến tuần thai 37, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai. Bác sĩ sản khoa nhận định đây là tình trạng vô cùng nguy kịch, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ ghi nhận bệnh nhân bị rau tiền đạo trung tâm cài răng lược thể Percreta - thể nặng nhất. 
Tập thể các bác sĩ trong các khoa có liên quan như: Sản, Gây mê hồi sức, Hồi sức ngoại khoa, Sơ sinh, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn để lựa chọn hướng xử trí tốt nhất cho mẹ và bé. 
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Hanh cho biết: “Sản phụ D. bị tình trạng nhau tiền đạo trung tâm cài răng lược. Chỗ dày nhất của bánh rau nằm ở cổ tử cung, xâm lấn vào ống cổ tử cung và bàng quang, mạch máu tăng sinh rất nhiều, tử cung dính vào thành bụng. Các bác sĩ đã tiến hành bóc tách, gỡ dính khéo léo để tránh tình trạng chảy máu nhiều. Sau đó, chúng tôi tiến hành rạch cơ tử cung, lấy thai. Bé trai nặng 2.800g chào đời an toàn.
Nhờ được các bác sĩ giỏi cứu trị kịp thời, sức khỏe mẹ và con đều được đảm bảo tốt. Ảnh: Hoàng Yến
Nhờ được các bác sĩ giỏi cứu trị kịp thời, sức khỏe mẹ và con đều được đảm bảo tốt. Ảnh: Hoàng Yến
Rau cài răng lược thể Percreta là thể đặc biệt nặng; bánh nhau xâm lấn xuyên qua lớp thanh mạc tử cung, lấn đến những cơ quan lân cận như: ruột, bàng quang nên cần kết hợp nhiều chuyên khoa để chẩn đoán, xử trí cứu sống mẹ và bé... Nếu không được các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và có kinh nhiệm phẫu thuật cấp cứu kịp thời, thì nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé rất cao. Sáng 25/5, sản phụ ổn định, vết mổ khô, dẫn lưu ra ít dịch, bé được chăm sóc và theo dõi tốt tại Khoa Sơ sinh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Hanh khuyến cáo thêm: Đối với phụ nữ mang thai, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để khám thai định kỳ, khám thai sớm trong quý đầu và tuân thủ đúng theo tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ để phát hiện thai kỳ có nguy cơ cao như chửa tại vết mổ, có hướng xử trí kịp thời để tránh tình trạng rau cài răng lược sau này.
Nguy cơ rau cài răng lược thường gặp ở các sản phụ có: Rau tiền đạo, có tiền sử vết mổ cũ ở tử cung (mổ đẻ, mổ bóc nhân xơ…), mang thai trên 35 tuổi, nạo hút thai nhiều lần… Rau cài răng lược sẽ gây nguy cơ: Chảy máu sau đẻ, sau mổ, gai rau đâm xuyên cơ tử cung gây thủng, vỡ tử cung, đâm xuyên vào các tạng xung quanh như bàng quang, ruột… có nguy cơ phải cắt tử cung để cầm máu cũng như ảnh hưởng đến tính mạng./.

Tin mới