Bị dịch tả lợn châu Phi tỷ lệ vật nuôi chết là 100%

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được nêu ra trong Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào sáng 4/3.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra, lại chưa có vắc xin nên khi bệnh xảy ra tổn hại hết sức nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay đã có 20 nước báo cáo có DTLCP, riêng Trung Quốc có 110 ổ dịch tại 28 tỉnh và nước này đã hủy 1 triệu con lợn. Tại Liên bang Nga cũng đã có 1.000 ổ dịch xuất hiện tại 46 vùng của nước này, làm tổng cộng hơn 800.000 lợn chết.

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Ở Việt Nam hiện đã có 7 tỉnh,14 huyện có DTLCP là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương. Đến nay chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo Quy định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP. 

Theo thông tin chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, DTLCP chỉ gây bệnh ở lợn rừng và lợn nuôi, không gây bệnh cho các loài động vật khác, không lây sang người; bệnh lây lan nhanh và có khả năng gây chết lợn 100%. 

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1194/CĐ -TTg về tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, Chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Các địa phương khi có dịch phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, dừng ngay việc vận chuyển và xử lý ngay lợn và sản phẩm bị dịch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Thành lập Ban chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. 

Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam, tuyên truyền để người dân không tham gia vào các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm lợn qua biên giới...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, người chăn nuôi phải thực hiện 5 không trong phòng chống dịch tả lợn: Không dấu dịch, không buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa cho lợn.

Tại Nghệ An, hiện chưa có dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành công điện, chỉ thị, các quyết định về thành lập chốt kiểm dịch và tổ công tác lưu động liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống DTLCP. 

Tin mới