Bí quyết để không mất tiền trong tài khoản ngân hàng

(Baonghean.vn) - Những vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản gần đây khiến nhiều người lo lắng. Để không mất tiền oan, các chủ thẻ phải nên tự biết cách bảo vệ tài sản của mình.

Hiểu rõ những tình huống khiến thông tin tài khoản thẻ ngân hàng bị kẻ xấu đánh cắp sau đây sẽ giúp người dùng chủ động bảo vệ chính mình.

Không để lộ thông tin thẻ

Khi dùng thẻ ATM, bạn tuyệt đối không tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ ngân hàng. Ngoài ra, bạn không đặt mật khẩu bằng các thông tin dễ đoán như ngày sinh, số CMND, số điện thoại, biển số xe… để tránh tình trạng người khác nhặt được thẻ có thể lợi dụng lấy cắp tiền, đồng thời nên thường xuyên đổi mật khẩu thẻ.

Để tránh rủi ro bị người khác nhìn thấy thông tin thẻ, đặc biệt là mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ), một số người còn chủ động ghi nhớ mã rồi dán kín chúng lại.

không chụp ảnh thẻ thanh toán gửi qua điện thoại

Còn có trường hợp chụp ảnh cả 2 mặt thẻ visa gửi cho bạn qua điện thoại để nhờ bạn đặt mua hàng trên mạng, ảnh thẻ lưu truyền trên mạng không được bảo mật, nếu lọt vào tay người xấu thì chắc chắn bạn sẽ bị mất tiền.

Cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo

Đây là cách thức tưởng đã lỗi thời nhưng vẫn thường được các đối tượng lừa đảo thực hiện. Người dùng có thể nhận được tin nhắn từ một kẻ giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và số PIN để xác nhận.

nhung-luu-y-giup-tranh-mat-tien-trong-tai-khoan-the
Người sử dụng nên cẩn trọng bảo vệ thông tin tài khoản để tránh bị kẻ gian đánh cắp nhằm chiếm đoạt tiền.

Cẩn trọng khi giao dịch thanh toán trực tuyến

Khi giao dịch trực tuyến, chủ thẻ nên lưu ý các vấn đề sau. Người dùng nên sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại, không trả lời các email lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ…

Ngoài ra, bạn nên gõ địa chỉ của ngân hàng điện tử trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không nên bấm vào đường link được gửi qua email hay các đường link google đề xuất (trường hợp tìm kiếm bằng google) vì các đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế.

Song song đó, bạn chỉ nên mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín, chính thức của các ngân hàng và các đơn vị bán hàng online đáng tin cậy có giao thức bảo mật https.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chủ thẻ tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ bảo mật qua các mạng xã hội (facebook, skype, viber, zalo…) và sử dụng thẻ trả trước quốc tế cho một số trường hợp cần thiết và nộp đúng số tiền cần giao dịch để kiểm soát được khoản tiền trong thẻ.

Giám sát khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ

Với khách hàng đang sử dụng thẻ từ, nhược điểm của thẻ này là công nghệ chưa cao nên dễ bị làm giả. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, nhiều nhà băng đã tiến hành thực hiện các dự án chuyển đổi từ thẻ công nghệ từ sang công nghệ chip thông minh.

Tuy nhiên, để tự bảo vệ tài chính, khách hàng vẫn phải cẩn trọng khi sử dụng thẻ. Theo đó, lúc mua sắm, thanh toán bằng thẻ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng…, nhân viên thu ngân thường là người trực tiếp cầm thẻ ngân hàng của bạn và thực hiện giao dịch. Việc này có thể dẫn đến thông tin bị đánh cắp.

Do đó, bạn phải để thẻ trong tầm mắt và quan sát thật kỹ nhân viên thu ngân, tránh để họ tìm cách ghi nhớ thông tin in trên thẻ của mình. Ngoài ra, người dùng cũng cần theo dõi để kiểm soát việc nhân viên thu ngân có nhập đúng số tiền mình phải thanh toán hay không.

Bảo vệ máy tính khỏi phần mềm gián điệp

Các loại phần mềm độc hại có thể xâm nhập, lấy các thông tin cá nhân và thông tin thẻ, khi bạn mua hàng trực tuyến thì toàn bộ các thông tin đó sẽ được gửi về cho tội phạm.

Đã có nhiều cảnh báo về các máy tính Trung Quốc có cài đặt sẵn phần mềm gián điệp. Vì vậy, cần lựa chọn loại máy tính, hoặc tránh bị nhiễm độc các loại phần mềm này theo nhiều cách khác nhau như bấm vào một liên kết trên Internet và tải về hoặc đi theo một email dưới dạng tập tin đính kèm. Không nên truy cập vào các trang web ít tên tuổi, không nghe mời gọi nhấn vào các đường dẫn lạ. Máy tính cần thường xuyên được quét virus với bản cập nhật mới nhất.

Luôn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử

Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, email cá nhân, người dùng cần đặt mật khẩu khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không nên sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động cho các lần sau. Đặc biệt, bạn cần hạn chế dùng máy tính, mạng wifi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

Sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động

Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư qua tin nhắn nhằm mục đích khi phát sinh giao dịch, chủ thẻ sẽ nhận được thông tin và xử lý ngay khi có trường hợp phát sinh giao dịch đáng ngờ.

Trong một số trường hợp không may xảy ra rủi ro mất tiền trong thẻ hoặc tài khoản thẻ mà chưa rõ nguyên nhân, người sử dụng nên bình tĩnh, liên hệ ngay ngân hàng phát hành yêu cầu khóa thẻ và phối hợp với nhà băng cùng các bên liên quan, cung cấp các chứng từ (nếu có)… để được hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết. 

Thận trọng khi tải và sử dụng các ứng dụng ngân hàng

Hầu hết các ngân hàng đều có ứng dụng riêng để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc giao dịch trên smartphone, tablet. Tuy nhiên, đã có trường hợp kẻ gian làm các ứng dụng “nhái” hòng đánh lừa và lấy cắp thông tin khách hàng.

Ngoài ra, dù đã tải đúng ứng dụng “chính chủ”, người dùng cũng cần thường xuyên tải các bản nâng cấp. Ngân hàng Citibank từng đưa ra cảnh báo về ứng dụng smartphone của họ có lỗ hổng về bảo mật nên khuyến cáo người dùng tải các bản cập nhật ngay lập tức để tranh việc bị lợi dụng bởi các tin tặc.

Ghi nhớ thông tin liên hệ của ngân hàng để kịp thời sử dụng 24/7

Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng có thể được sử dụng 24/7. Vì vậy, khi bị mất thẻ hoặc bị lộ thông tin tài khoản, người tiêu dùng phải thông báo ngay lập tức với ngân hàng. Việc thông báo càng nhanh thì nguy cơ giảm thiểu rủi ro càng cao vì kẻ gian thường có xu hướng sử dụng thẻ ngay khi lấy cắp được. 

Vì vậy, để kịp thời thông báo trong trường hợp rủi ro mất thẻ, người tiêu dùng cần ghi nhớ cách thức liên hệ với ngân hàng hoặc thông thường là số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng được in sẵn trên mặt sau của thẻ.

Mất tiền trong tài khoản, làm gì để lấy lại được tiền?

Bị mất tiền trong thẻ ngân hàng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên nếu bỗng một ngày, bạn nhận được tin nhắn từ tổng đài ngân hàng và số tiền trong thẻ "không cánh mà bay" dù bạn không thực hiện bất kì giao dịch nào, hãy bình tĩnh, thực hiện ngay các bước sau để bảo vệ chiếc thẻ cũng như ngân khố của mình. 

- Khóa thẻ: Thay vì bối rối tự tìm nguyên nhân vì sao tiền lại mất đi, thì bạn cần bình tĩnh gọi ngay cho tổng đài ngân hàng yêu cầu khóa thẻ. Hành động này vừa giúp cho bạn tránh bị mất thêm tiền trong tài khoản và đồng thời báo cho ngân hàng biết chiếc thẻ của bạn đang bị xâm nhập trái phép.

- Kiểm tra tình trạng thẻ: Điều cần thiết tiếp theo là bạn hãy thật bình tĩnh nhớ lại xem những giao dịch thẻ gần đây nhất, và kiểm tra lại các hóa đơn, cũng như thẻ xem còn nguyên vẹn trong tầm sở hữu của mình hay không.

-Yêu cầu điều tra thẻ: Điều này bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt, bạn có thể gọi lên tổng đài tín dụng của ngân hàng chủ thẻ hoặc đến chi nhánh ngân hàng mở thẻ gần nhất để yêu cầu điều tra.

Một số mẹo khi thực hiện giao dịch tại máy ATM

mất tiền, ATM, thẻ ATM, rút tiền, ngân hàng, thủ đoạn, lừa đảo, khách hàng, mất cắp
Nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN.

- Khi đi rút tiền tại ATM, bạn nên quan sát các thiết bị lạ gắn trên ATM, đặc biệt khu vực phía trước bàn phím xem có camera hay không (vị trí này ngân hàng quản lý ATM không bao giờ gắn camera). Nếu như ATM chưa được trang bị thiết bị che bàn phím, bạn nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN để rút tiền nằm tránh việc kẻ xấu quay camera để trộm dữ liệu.

- Chắc chắn rằng người đứng sau bạn đang chờ để đến lượt thực hiện sau dịch và người đó không thể xem được số PIN bạn nhập hoặc giá trị giao dịch bạn định thực hiện.

- Lấy tiền, thẻ và biên lai giao dịch ngay sau khi bạn hoàn tất giao dịch.

- Nếu thấy bất kỳ một ai có biểu hiện nghi ngờ thì hãy hủy bỏ giao dịch và rời đi ngay lập tức.

- Nếu bạn cần thực hiện giao dịch vào ban đêm nếu có thể hãy rủ người đi cùng.

Người dùng nên chủ động bảo vệ thông tin thẻ ngân hàng của mình .
Đối với các giao dịch qua Internet banking, việc bảo vệ cẩn thận Token hay sim điện thoại (nếu số điện thoại được dùng để gửi mã xác thực) sẽ đảm bảo giao dịch của bạn được an toàn.

Một số thói quen “tốt” cần nhớ khi dùng thẻ:

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu (mã pin), đây là một việc làm không mất nhiều thời gian nhưng giúp bạn tránh được rủi ro mất tiền. 

- Đăng ký tin nhắn từ ngân hàng, để khi số tiền trong tài khoản bị thất thoát bạn sẽ biết và có cách xử lí kịp thời. 

- Không để quá nhiều tiền trong thẻ, nếu có số tiền lớn bạn nên gửi tiết kiệm, một hình thức an toàn hơn lại còn sinh lời nữa. 

- Không sử dụng liên kết thẻ ATM và Visa, vì như thế rủi ro mất tiền từ hai thẻ sẽ gấp đôi. 

- Truy nhập internet banking chớ nên lưu mật khẩu trên máy, nếu đăng nhập máy lạ cần kiểm tra xem đã thoát tài khoản kỹ càng hay chưa.

Ngọc Anh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới