Bí thư chi bộ khai mở 'kho vàng xanh' trên núi

(Baonghean.vn) - Bằng mồ hôi, công sức suốt hơn 10 năm, ông Trần Văn Lệ  - Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Long Sơn (Anh Sơn) đã "biến" hàng chục ha đất đồi hoang, khô cằn sỏi đá thành mô hình kinh tế tổng hợp VACR cho thu nhập tiền tỷ, mở hướng làm giàu cho bà con.

Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi nhiều đồi núi đang bị bỏ hoang rất lãng phí, ông Trần Văn Lệ đã tự nhủ rằng cần phải chọn nghề trồng rừng để làm giàu. Cũng vào thời điểm đó, địa phương có chủ trương phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vậy là ông Lệ đã mạnh dạn vay tiền mua 30 ha rừng tại vùng đất đồi núi của xã Long Sơn.

Hiện tại trên diện tích 30 ha đất đồi rừng ông Trần Văn Lệ đã đầu tư trồng 28 ha keo, 1 ha cam và đào 1 ha ao để thả cá. (Trong ảnh: rừng tràm 4 năm tuổi của gia đình ông Lệ sắp cho thu hoạch)
Hiện tại trên diện tích 30 ha đất đồi rừng ông Trần Văn Lệ đã đầu tư trồng 28 ha keo, 1 ha cam và đào 1 ha ao để thả cá. (Trong ảnh: rừng tràm 4 năm tuổi của gia đình ông Lệ sắp cho thu hoạch)

Để xây dựng thành công mô hình kinh tế rừng ông Lệ  tích cực tìm đến nhiều nơi, nhiều người đi trước để học hỏi cách trồng rừng kinh tế có hiệu quả. Ông cũng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng... với quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình, cũng như tìm được hướng làm giàu chính đáng trên vùng đất khó đã tạo thêm động lực, niềm tin giúp ông vượt qua mọi thử thách.

Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng keo đầu tiên cũng phát triển xanh tốt. Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế của rừng keo, ông Lệ khẳng định chắc nịch, mỗi héc ta keo cho mức lãi từ 50 - 60 triệu đồng sau 5 năm trồng và chăm sóc. Tính ra với 28 ha keo tràm bình quân mỗi năm cũng cho gia đình khoảng thu nhập trên 300 trăm triệu đồng.

: Để tận dụng lợi thế tự nhiên ông còn chăn thả trâu bò với số lượng lớn trên 40 con
Để tận dụng lợi thế tự nhiên ông còn chăn thả trâu bò với số lượng lớn trên 40 con.

Không dừng lại ở đó, ông còn vay vốn ngân hàng đầu tư trang trại nuôi bò sinh sản ngay trong đất rừng tràm. Đàn bò được nuôi ngay trong trang trại tận dụng cỏ lúc tràm chưa khép tán nên thức ăn dồi dào. Với nguồn thức ăn tự nhiên đầy đủ nên đàn bò phát triển tốt, sinh sản đều mang lại cho ông nguồn thu không nhỏ. Hiện nay đàn bò của ông đã phát triển lên 40 con. Để mảnh đất cằn không ngừng sinh lợi, ông Lệ còn đầu tư đào 1 ha ao để thả cá, nuôi trên 30 con lợn rừng và trồng thêm 1 ha cam. Hiện tại tổng thu nhập mỗi năm từ mô hình VACR sau khi trừ chi phí cũng cho ông lãi trên 500 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Văn Lệ còn là người đảng viên gương mẫu, nhiệt tình trong mọi hoạt động của thôn. Ngay từ khi được các đảng viên trong thôn 5 tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, ông cùng với các đảng viên trong chi bộ thường xuyên vận động người dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như trồng rừng, chăn nuôi trang trại, gia trại, cùng với đó là chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao.

Chăn nuôi lợn rừng cũng cho ông Lệ nguồn thu nhập đáng kể.
Chăn nuôi lợn rừng cũng cho ông Lệ nguồn thu nhập đáng kể.

Anh Trần Văn Quang ở thôn 5, xã Long Sơn cho hay: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện khó khăn của thôn, nhà có diện tích đồi nhưng chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.  Nhờ được ông Lệ tận tình động viên,  hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiện nay trên diện tích 6 ha đất trống của gia đình tôi đã phủ một màu xanh  keo, tràm. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm 20 con dê và hàng trăm con gà. Thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi mỗi năm trên 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn trước”.

Mô hình kinh tế tổng hợp VRAC cho gia đình ông Trần Văn Lệ sau khi trừ chi phí cũng  mang lại nguồn thu trên 500 triệu đồng
Mô hình kinh tế tổng hợp VRAC cho gia đình ông Trần Văn Lệ sau khi trừ chi phí cũng mang lại nguồn thu trên 500 triệu đồng.

Học tập bí thư Lệ, nhiều hộ dân ở  thôn 5 đã đầu tư phát triển kinh tế hộ. Toàn thôn có 78 hộ thì đã có đến 20 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, thu nhập đầu người của thôn đạt trên 25 triệu đồng/năm. Cuộc sống dư dả hơn, người dân đã tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong năm 2015 toàn thôn hiến được 1.500m2, quyên góp được gần 300 triệu đồng để là 1,5km đường bê tông.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Bí thư chi bộ Trần Văn Lệ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, là tấm gương để nhiều người noi theo. Làm theo ông, bà con trong thôn đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế, từ đó giúp cho địa phương thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới.

Huyền Trang     

Đài TT-TH Anh Sơn

Tin mới