Bí thư không phải người địa phương: Có bản lĩnh không sợ bị cô lập

"Một người về địa phương mà không có bản lĩnh, xuôi chiều theo một xu hướng nào đó, theo một nhóm nào đó thì việc bị cô lập là điều tất yếu xảy ra".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình cho rằng, chủ trương Bí thư cấp tỉnh không phải người địa phương sẽ góp phần giải quyết tình trạng cục bộ, bè phái và đồng thời cũng là giải pháp khắc phục yếu kém của công tác cán bộ trong thời gian qua.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu Bí thư người địa phương khác thì có thể bị cô lập, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Tình trạng này có thể xảy ra, nhưng trong tình hình hiện nay thì không đến nỗi. Thời gian qua có rất nhiều cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương và phần lớn trưởng thành chứ không thấy bị cô lập.

Vấn đề ở chỗ là người ấy có tài năng không và có phát huy được năng lực, phẩm chất và trí tuệ hay không. Một người về địa phương mà không có bản lĩnh, xuôi chiều theo một xu hướng nào đó, theo một nhóm nào đó thì việc bị cô lập là điều tất yếu xảy ra.

Có chăng trong việc bố trí Bí thư không phải người địa phương thì nên quan tâm đưa người ở những địa phương không quá xa nhau vì họ hiểu đặc điểm, văn hóa, tính cách, con người, từ đó thuận lợi hơn.

Bí thư không phải người địa phương: Có bản lĩnh không sợ bị cô lập ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình

PV: Việc bố trí người đứng đầu cấp ủy như trên một phần cũng xuất phát từ tình trạng “cả họ làm quan”, sự nể nang trong xử lý nhiều công việc?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Đúng là như vậy. Thực tế hiện nay có những biểu hiện người địa phương mà làm lãnh đạo ở địa phương ấy có biểu hiện phe phái cục bộ.

Nhưng bên cạnh đó cũng có việc nhiều khi lãnh đạo muốn bổ nhiệm người đó có tài, có đức, có năng lực lại e ngại người khác nghĩ rằng mình cục bộ địa phương.

PV: Chủ trương Bí thư cấp tỉnh không phải người địa phương liệu có góp phần kiểm soát quyền lực tốt hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Trung ương vừa rồi đã bàn thảo về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền. Đây là việc làm được nhân dân đồng tình rất cao và là bước đột phá trong việc thiết lập, hình thành đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

Việc người đứng đầu không phải người địa phương còn góp phần hạn chế việc bổ nhiệm cán bộ không đúng hay hiện tượng cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài.

PV: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội cũng phản ánh những bức xúc trong bổ nhiệm cán bộ. Theo ông thì vai trò của Quốc hội cũng như mỗi đại biểu phải thể hiện như thế nào để góp phần giải quyết tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Những tồn tại trong công tác cán bộ đã được nêu ra và được bàn nhiều, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Qua tiếp xúc cử tri thấy rằng người dân rất đồng tình ủng hộ và đặt niềm tin cao với Đảng, Chính phủ trong thời gian tới. Có mấy điểm mà cử tri rất quan tâm là vấn đề sắp xếp như thế nào, bố trí như thế nào để hạn chế... những tiêu cực lâu nay.

Quốc hội thời gian qua có rất nhiều đóng góp trong vấn đề kiểm soát, giám sát để có những kiến nghị trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ và lựa chọn người tài.

Cụ thể trong các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tất cả các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tiếp thu lắng nghe ý kiến của người dân nói về tiêu cực, hạn chế của công tác cán bộ, từ đó phản ánh bằng văn bản, trực tiếp phản ánh ở nghị trường.

Ngoài ra, Quốc hội cũng tổ chức những đoàn giám sát đặc biệt trong đó có giám sát chuyên đề về tinh giản biên chế, nâng cao năng lực hiệu quả bộ máy nhà nước từ đó có những kiến nghị. Ngoài ra Quốc hội cũng có giám sát trực tiếp thông qua chất vấn và trả lời chất vấn liên quan công tác này để yêu cầu Chính phủ làm rõ.

PV: Nhiều việc xảy ra ở địa phương, trong đó liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ thường tạo dư luận nhiều chiều. Cử tri cũng mong muốn đại biểu Quốc hội của mình lên tiếng nhiều hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Người đứng đầu địa phương bổ nhiệm cán bộ mang tư tưởng lợi ích nhóm, bè phái cục bộ, bổ nhiệm người nhà thì việc người dân bức xúc là đúng. Nhưng cũng có xu hướng là nhiều người được bổ nhiệm đúng, bổ nhiệm từ trước nhưng khi anh lên giữ vị trí chủ chốt thì lại bị ai đó tung tin không chính xác.

Do đó, cần xây dựng thể chế trong vấn đề bổ nhiệm, đề bạt hay tổ chức thi chức danh. Con em của các lãnh đạo thực sự có tài, có đầy đủ điều kiện thì có thể tham gia thi tuyển mà không ai có thể đưa vấn đề này ra cho là tiêu cực.

PV: Ông từng nhận được đơn thư kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề bổ nhiệm người nhà lãnh đạo không?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Ở Quảng Bình cũng có đơn thư phản ánh. Có những vụ việc thì các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý kỷ luật do bổ nhiệm con quá nhanh, bổ nhiệm vợ mà không đúng vị trí chức năng…

Nhưng cũng có những việc tố cáo không đúng như lãnh đạo bị tố bổ nhiệm không đúng người thân nhưng thực ra những trường hợp này được bổ nhiệm trước khi ông ta làm lên giữ vị trí.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Tin mới