Bí thư Tỉnh ủy: Cần có kế hoạch cụ thể với cán bộ dôi dư sau sáp nhập

(Baonghean.vn) - Quá trình thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu đối với cán bộ dôi dư sẽ phải xử lý bằng một kế hoạch cụ thể, trước mắt cho 9 huyện có đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập, về lâu dài cho các địa phương khác.
Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để cho ý kiến về Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2021. Ảnh: Đào Tuấn
Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để cho ý kiến về Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 -  2021. Ảnh: Đào Tuấn 

Tập trung giải quyết các phức tạp phát sinh

Theo Đề án, tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập trong năm 2019 là 36 đơn vị (16 đơn vị phải sáp nhập với 20 đơn vị liền kề) để thành lập 16 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 20 đơn vị. Cụ thể có 9 huyện có các xã phải sắp xếp, sáp nhập gồm: Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên.

Sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Nghệ An từ 480 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 460 đơn vị (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn). 

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo Sở Nội vụ - đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án làm rõ thêm về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, việc sử dụng cơ sở hạ tầng tại các xã thuộc diện sáp nhập.
Cụ thể phương án chi tiết về việc sắp xếp các vị trí đứng đầu cấp xã như: Bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND…  Bên cạnh đó cũng phải có các phương án cụ thể cấp đối với cán bộ cấp phó; các vị trí dôi dư.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, UBND tỉnh và các ngành liên quan cũng cần có những dự kiến sát thực tiễn về chính sách, nhất là chính sách cho nghỉ một lần đối với cán bộ đủ điều kiện.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lê Đình Lý báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Về công tác tổ chức bộ máy, cần xem xét có giải pháp cụ thể đối với các tổ chức Đảng, tổ chức nào cần sáp nhập, tổ chức nào đưa về trực thuộc. Mặc dù Đề án đề xuất phương án gộp HĐND các xã nhưng cũng cần có phương án chi tiết, rõ ràng đảm bảo các yêu cầu khách quan đặt ra.

Đối với hệ thống hạ tầng cơ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã, thực tế cho thấy, từ 2-3 xã nhập về 1 xã thì cơ sở vật chất, công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng sẽ xử lý như thế nào để đảm bảo hợp lý, các công trình như trạm y tế, thiết chế văn hóa sẽ giải quyết ra sao để vừa không bị thiếu cũng không lãng phí. 

Đấu giá tài sản hiện hữu tại các xã

Giải trình thêm tại cuộc họp, đồng chí Lê Đình Lý - Giám đốc  Sở Nội vụ cho biết, phương án bố trí cán bộ, nhất là những người đứng đầu, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, xây dựng các phương án tiêu chuẩn chức danh cụ thể; chỉ đạo các huyện và đơn vị hành chính cấp xã tiến hành rà soát phân loại, dựa trên các tiêu chí cụ thể, khách quan để lựa chọn người chủ trì.

Đối với các cán bộ đã đủ điều kiện nghỉ hưu thì sẽ tạo điều kiện cho nghỉ theo đúng chính sách; những trường hợp đủ điều kiện chuyển vị trí việc làm tiến hành sắp xếp, bố trí  phù hợp trong địa bàn.

Đối với cán bộ cấp phó, sẽ bố trí chức danh phù hợp với trình độ, khả năng, tính chất chuyên môn; nếu đủ điều kiện luân chuyển sẽ tiến hành luân chuyển trong địa bàn. Trước mắt  không tạo nhiều biến động mà căn cứ theo lộ trình 5 năm để giải quyết phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Trao đổi thêm về vấn đề này, đồng chí Thái  Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu phương án sắp xếp, bố trí cán bộ được thực hiện thông qua hoạt động khảo sát, rà soát bộ máy tại cơ sở.

Theo đó, việc rà soát hiện nay đã giao cho các xã, huyện tiến hành. Đối với các vị trí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, HĐND, MTTQ sẽ điều tiết, bố trí ngay trong địa bàn, từ xã này sang xã khác, từ vị trí này sang vị trí khác.  Quan điểm là tập trung sắp xếp vị trí cấp trưởng, đối với cấp phó sẽ tiến hành theo thời gian và lộ trình hợp lý

Về cơ sở vật chất, trên tinh thần khảo sát thấu đáo địa bàn, căn cứ vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, lấy ý kiến người dân để lựa chọn trụ sở chính của đơn vị hành chính cấp xã tại 1 trong những đơn vị thuộc diện sáp nhập.

Hướng xử lý các trụ sở, công trình vật chất còn lại là xin chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho bán đấu giá các tài sản hiện hữu, các công trình trụ sở của các xã không sử dụng.

3 xã của huyện Nghĩa Đàn sẽ hợp nhất thành 1 xã. Đồ họa Hữu Quân
3 xã của huyện Nghĩa Đàn sẽ hợp nhất thành 1 xã. Đồ họa Hữu Quân

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng nêu một số thực tế mà UBND tỉnh cần tính đến khi thực hiện Đề án. Đó là việc sáp nhập một phần của xã này vào xã khác sẽ tiến hành như thế nào, quy mô dân số ra sao? địa giới hành chính giữa các xã cũng cần được xác định rõ. Các thủ tục hành chính, giấy tờ tại các xã, phường phải đảm bảo thuận lợi, phù hợp cho nhân dân trong quá trình sáp nhập cũng như sau sáp nhập.

Đại biểu cũng đề xuất, việc sắp xếp cán bộ dôi dư không nhất thiết phải bố trí trong địa bàn mà có thể sắp mở rộng sang các xã của huyện khác…

Xây dựng kế hoạch giải quyết cán bộ dôi dư

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh bên cạnh thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc chung đã nêu, còn phải hết sức tôn trọng vào các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử của từng đơn vị. Việc xác định địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính cũng phải khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Đối với công tác cán bộ, đồng ý không thực hiện tuyển dụng mới nhưng thay vì ban hành một quyết định hành chính (việc tạm dừng tuyển dụng) sẽ xử lý bằng một kế hoạch cụ thể, trước mắt cho 9 huyện có đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập, về lâu dài cho các địa phương khác.

Về cơ sở vật chất, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, việc sử dụng, khai thác trụ sở xã (không còn sử dụng) cần nghiên cứu kỹ, cụ thể. Và nội dung này không giao cho cấp xã thực hiện mà giao cho các huyện chủ trì, lên phương án giải quyết, báo cáo tỉnh.

Về công tác tổ chức bộ máy, ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Đề án, UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể theo ngành dọc, từ tổ chức Đảng, Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang...

Đối với vấn đề công nợ tồn đọng tại một số xã như đại biểu nêu, Bí thư Tỉnh ủy giao cho Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề có các giải pháp cụ thể, nhưng về nguyên tắc, yêu cầu có sự cam kết, giao kèo trả nợ của các xã, địa phương liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt công tác tư tưởng, tránh các phát sinh, xáo trộn từ cơ sở.

Tin mới