Bí thư Tỉnh ủy nêu 4 nội dung cốt lõi để chống thói trông chờ, ỷ lại

(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, "trục" trông chờ, ỷ lại thường theo dưới lên: xã trông chờ huyện, huyện ỷ lại tỉnh... Tuy nhiên cũng có những vấn đề, nội dung cấp trên trông chờ, ỷ lại cấp dưới. Chính vì vậy các cấp, ngành, địa phương phải nhìn rõ để giải quyết tốt đòi hỏi của thực tiễn.

Sáng 27/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã tiến hành họp để nghe và cho ý kiến về Kết quả 5 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU ngày 30/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên” (viết tắt là Đề án số 07).

Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Tuấn
Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Tuấn 

Nêu cao tính gương mẫu, phê phán tư tưởng bảo thủ, ỷ lại

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Đề án 07 cho thấy: công tác tuyên truyền, nêu gương sáng về tính gương mẫu, phê phán tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại đã được các cấp ủy chú trọng. Công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tính tiền phong gương mẫu đã được thực hiện nghiêm túc thông qua việc, hàng năm các cấp ủy chủ động rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên tại địa phương, đơn vị mình, tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, ngành theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc.

Thực hiện Đề án số 07, thời gian qua các cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp. Ảnh tư liệu
Thực hiện Đề án số 07, thời gian qua các cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp. Ảnh tư liệu

Các cấp ủy chỉ đạo tốt việc tự phê bình và phê bình trong Đảng thông qua các kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng, quý, năm; 100% cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tuân thủ nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật được tiến hành phù hợp với tình hình thực tế. 

Đồng chí Kha Văn Tám - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Kha Văn Tám - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Phương pháp, cách thức thu hút đầu tư đã có sự đổi mới, sáng tạo, nhờ vậy đã từng bước khắc phục được tư tưởng trông chờ ỷ lại, tạo được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án 07 cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại. Đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án ở một số cấp ủy cơ sở chưa kịp thời, thiếu thường xuyên; một số tổ chức cơ sở đảng chưa thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; công tác đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ ở một số cấp ủy có lúc hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng cục bộ, địa phương, dòng họ, níu kéo...

Tuyên truyền điển hình để tạo sức lan tỏa
 Nêu quan điểm về thực hiện Đề án 07, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để Đề án đạt hiệu quả cao cần phải có nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo, tạo sinh kế phù hợp.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền những mô hình cá nhân, tập thể, vùng, miền... điển hình, tiên phong trong nêu gương xóa nghèo. Điều này sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự kích thích tâm lý, tinh thần vươn lên trong cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại buổi cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07 cho thấy bước đi kịp thời, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Đề án cũng đã bộc lộ một số tồn tại. Để chủ trương này tiếp tục phát triển và lan tỏa mạnh trong đời sống xã hội, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung lấy "xây" là chính.

Thời gian tới phải phát huy những việc làm gương mẫu, công trình gương mẫu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển tải nội dung của Đề án số 07 đến sâu sát hơn với cơ sở.

4 nội dung cốt lõi để chống thói trông chờ, ỷ lại

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ: Trái ngược với sự trông chờ, ỷ lại chính là sự tự lực tự cường. Và để thực hiện tốt Đề án không gì hơn và xác định rõ "xây và chống".

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh giải thích: Xây là khuyến khích tự lực, tự cường; còn chống là chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại. 

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần xác định "trục" của thói trông chờ ỷ lại để xử lý tốt các vấn đề của thực tiễn. Ảnh: Đào Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần xác định "trục" của thói trông chờ ỷ lại để xử lý tốt các vấn đề của thực tiễn. Ảnh: Đào Tuấn 

Có 4 vấn đề liên quan việc thực hiện Đề án số 07 được Bí thư Tỉnh ủy nêu ra nhằm chống thói trông chờ, ỷ lại của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là cần có sự thống nhất về chính sách, quan điểm là phải chủ động, đổi mới ngay trong chính sách.

Thứ hai là tập trung công tác tuyên truyền: thông qua báo chí truyền thông, qua các cấp, các ngành.

Thứ ba là thông qua sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ đảng viên và nhân dân và cuối cùng là chú trọng khâu vận động để chủ trương đi sâu vào thực tiễn cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, lâu nay "trục" trông chờ, ỷ lại thường theo chiều dưới lên: xã trông chờ huyện, huyện ỷ lại tỉnh... Tuy nhiên cũng có những vấn đề, nội dung cấp trên trông chờ, ỷ lại cấp dưới. Điều này khiến cho công việc thiếu hiệu quả, thiếu tích cực. 
Để khắc phục, các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, qua đó tạo niềm tin, hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, hoàn thành các mục tiêu chung.

Tin mới