Bí thư Tỉnh ủy: 'Nghĩa Đàn cần có giải pháp định hướng thị trường cho nông dân'

(Baonghean.vn) -  Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bên cạnh gắn với vai trò của doanh nghiệp thì Nghĩa Đàn phải có giải pháp định hướng thị trường cho nông dân. 

 » Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình kinh tế tại huyện Nghĩa Đàn
 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Vi Văn Định cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,52%; thu ngân sách tại địa bàn đạt hơn 46 tỷ đồng.

Đến nay, Nghĩa Đàn đã có 10 xã đạt xã nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 giảm còn là 9,6%, tương đương 3.247 hộ nghèo.

Chiều 22/6, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn.

Cùng dự có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 6/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Nghĩa Đàn đã ban hành các đề án, chương trình thực hiện, đặc biệt là Chương trình “Ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao để phát triển Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn đến năm 2020” và tạo được những chuyển biến tích cực.

Đến hết năm 2016 có 18/18 xã có khả năng dồn điền đổi thửa, quy mô bình quân thửa đất sau dồn điền đổi thửa là 760m2; trung bình số thửa/hộ sau dồn điền đổi thửa 2,1 thửa/hộ.

Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Vi Văn Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Vi Văn Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: Việc kiểm điểm  theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 được triển khai nghiêm túc. Kiểm điểm của tập thể và cá nhân ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được đánh giá đạt yêu cầu. 56/56 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc đảm bảo tiến độ, quy trình, có chất lượng, đạt yêu cầu.

Sau kiểm điểm, tình hình ở tổ chức đảng các cấp, các ngành có chuyển biến nhất định. Một số hạn chế, khuyết điểm qua kiểm điểm đã được nghiêm túc khắc phục.

Người dân xã Nghĩa Hưng làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu
Người dân xã Nghĩa Hưng làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành cấp tỉnh để Nghĩa Đàn phát huy được lợi thế, khắc phục khó khăn để phát triển.

Đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển nông nghiệp của Nghĩa Đàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm nêu quan điểm: “Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, còn nâng cao đời sống nhân dân, gắn với giảm nghèo bền vững, cải thiện hạ tầng nâng thôn là nhiệm vụ, thì lấy cơ cấu sản xuất nông nghiệp làm giải pháp”.

Trên quan điểm đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, Nghĩa Đàn nên phát triển nông nghiệp gắn với các doanh nghiệp lớn có trên địa bàn; đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới 3 sản phẩm chính là cây mía, cây lâm nghiệp và cây để thức ăn cho gia súc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị huyện Nghĩa Đàn tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, cơ cấu lại theo hướng đưa các giống mới trong trồng trọt và chăn nuôi có năng suất và chất lượng để tăng giá trị sản xuất.

“Nên có chiến lược nghiêm túc để nhân rộng các giống cây, con có hiệu quả. Nghĩa Đàn phải tiên phong trong lĩnh vực này, phải bứt phá trong mô hình sản xuất và chăn nuôi”, - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện Nghĩa Đàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền gợi mở địa phương này thực hiện nhiều vấn đề trong ngành Nông nghiệp.

Trong đó, huyện có đánh giá nghiêm túc về hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác để có giải pháp chỉ đạo, củng cố để làm “bà đỡ” cho người nông dân; rà soát quy hoạch đất đai gắn với liên kết sản xuất theo hướng người dân có đất để sản xuất; xây dựng các chỉ dẫn địa lý, bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vốn rất nổi tiếng và được đánh giá cao của huyện.

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả mà Nghĩa Đàn đạt được và nhấn mạnh huyện đang đi đúng hướng và cần bám vào tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển.

Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với hướng phát triển của Nghĩa Đàn là theo mô hình huyện nông nghiệp phát triển gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về tổng quan, Nghĩa Đàn cần lưu ý việc người dân có tư liệu sản xuất và thay đổi phương thức sản xuất hiệu quả.

“Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững thì gốc của vấn đề là người dân phải có tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất phải thay đổi”, - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đồng thời đề nghị huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bên cạnh gắn với vai trò của doanh nghiệp thì Nghĩa Đàn phải có giải pháp định hướng thị trường cho nông dân.

Tuy nhiên để làm được vấn đề này, Bí thư Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, UBND tỉnh và các ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với Nghĩa Đàn cùng thực hiện.

Một lĩnh vực mà Bí thư Nguyễn Đắc Vinh hết sức lưu ý với Nghĩa Đàn là phải tiếp tục đầu tư cho giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là cho địa phương vì huyện có nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp trên đà phát triển.

“Ngoài giáo dục phổ thông tốt thì huyện cần phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác đào tạo nghề.” - Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ.

Hiện nay, toàn huyện Nghĩa Đàn có 3 xóm chưa có chi bộ, đồng thời chưa có đảng viên, 5 xóm thành lập chi bộ do tăng cường đảng viên, 9 xóm có nguy cơ không còn chi bộ. 

Thực hiện Đề án số 01 - ĐA/TU, ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 -2020”, đồng chí Vi Văn Định cho biết dự kiến năm 2017 sẽ thành lập được 1 chi bộ; tăng cường một số đảng viên có uy tín về tham gia sinh hoạt ở các chi bộ vùng đặc thù; phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2017 kết nạp 4 quần chúng tại chỗ ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ.

Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, huyện Nghĩa Đàn chú ý công tác rà soát, quy hoạch cán bộ; đồng thời quan tâm, quyết tâm thực hiện Đề án 01 có kết quả cụ thể.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề nghị huyện quan tâm đến cán bộ xã và  đề nghị chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các xã để giúp các xã củng cố hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trả lời các kiến nghị của huyện Nghĩa Đàn, trong đó đồng ý hỗ trợ 7.000 tấn xi măng để làm hạ tầng giao thông cho 5 xóm của xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Yên. Những xóm này thuộc diện tái định cư dự án nuôi bò sữa TH những hộ này chọn phương án ở lại nơi ở cũ./.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới