Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khảo sát vị trí nhằm thu hút các dự án đầu tư

(Baonghean.vn) - Sáng 21/1, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đi kiểm tra, khảo sát thực địa một số địa điểm nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Cùng đi có đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra thực địa vị trí quy hoạch xây dựng khu hậu cần cảng tại Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra thực địa vị trí quy hoạch xây dựng khu hậu cần cảng tại Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã đến kiểm tra trực tiếp tại địa điểm sẽ triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết. 

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, dự án đầu tư Xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò có quy mô dự án xây dựng 1 bến tàu cho tàu 30.000DWT dài 252m; 1 bến tàu cho tàu 50.000DWT dài 285m; cầu dẫn dài 3.132m; đê chắn sóng dài 1.450m và 7km luồng tàu. Công suất 4-5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Diện tích sử dụng đất 20 ha với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng.

Dọc hai bên đường D4 (Quốc lộ 7C) nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng nước sâu Cửa Lò định hướng điều chỉnh cơ bản quỹ đất để phục vụ quy hoạch xây dựng khu hậu cần cảng và khu công nghiệp sạch gắn liền với hậu cần cảng. Ảnh: Thành Duy
Dọc hai bên đường D4 (Quốc lộ 7C) nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng nước sâu Cửa Lò định hướng điều chỉnh cơ bản quỹ đất để phục vụ quy hoạch xây dựng khu hậu cần cảng và khu công nghiệp sạch gắn liền với hậu cần cảng. Ảnh: Thành Duy

Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 hiện đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, định hướng quy hoạch khu hậu cần cảng khoảng 110 ha, gắn với quy hoạch cảng nước sâu Cửa Lò.

Cùng với đó, dọc hai bên đường D4 (Quốc lộ 7C) nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng nước sâu Cửa Lò định hướng điều chỉnh cơ bản quỹ đất để phục vụ quy hoạch xây dựng khu hậu cần cảng và khu công nghiệp sạch gắn liền với hậu cần cảng; quy mô diện tích khoảng 440 ha. Như vậy, gắn với Cảng nước sâu Cửa Lò, định hướng quy hoạch khu hậu cần cảng và khu công nghiệp sạch gắn liền với hậu cần cảng có tổng diện tích khoảng 550 ha.

Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra vị trí dọc hai bên đường D4 (Quốc lộ 7C) nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng nước sâu Cửa Lò để xây dựng khu hậu cần cảng. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra vị trí dọc hai bên đường D4 (Quốc lộ 7C) nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng nước sâu Cửa Lò để xây dựng khu hậu cần cảng. Ảnh: Thành Duy
Đoàn công tác kiểm tra tại vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Duy
Đoàn công tác kiểm tra tại vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc kiểm tra, sau khi nghe báo cáo về định hướng quy hoạch, một số khó khăn, vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã chỉ rõ hướng giải quyết, xử lý cụ thể để dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh sớm thực hiện, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao sức cạnh tranh và môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

Cũng trong chương trình làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn công tác đã khảo sát các địa điểm thuộc 3 xã giáp biển là Nghi Tiến, Nghi Yên (Nghi Lộc) và Diễn Trung (Diễn Châu); khu vực hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú (Diễn Châu).

Đây là những địa điểm thuộc địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thể thao gắn với nghỉ dưỡng.

Đoàn khảo sát tại khu vực bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) - khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Thành Duy
Đoàn khảo sát tại khu vực bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) - khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Thành Duy
Góc nhìn toàn cảnh bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Duy
Góc nhìn toàn cảnh bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Duy

Theo chủ trương chung của tỉnh, cùng với thu hút các dự án công nghiệp, trên địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, thể thao để có thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc, nghỉ dưỡng chất lượng cao, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, chuyên gia đến làm việc, cũng như thu hút du khách đến với tỉnh.

Trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan, người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh quan điểm khi thu hút và triển khai dự án phải đảm bảo môi trường, hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp, đặc biệt cần hạn chế tối đa tái định cư người dân. Các dự án cũng cần hạn chế về tỷ lệ kinh doanh bất động sản mà cần tập trung vào khai thác tiềm năng du lịch và thể thao.

Đoàn khảo sát tiềm năng thu hút đầu tư vào khu vực hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú (Diễn Châu). Ảnh: Thành Duy
Đoàn khảo sát tiềm năng thu hút đầu tư vào khu vực hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú (Diễn Châu). Ảnh: Thành Duy

Cũng trong chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ của Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ.

Đây là dự án được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1441/QĐ-UBND.ĐT ngày 3/5/2006 và chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 3/6/2020, với quy mô 51,29 ha. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh 2.500 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ báo cáo tiến độ dự án. Ảnh: Thành Duy
Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ báo cáo tiến độ dự án. Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: San nền; đường giao thông; cấp nước; thoát nước mưa; thoát nước thải, hệ thống cấp điện; chiếu sáng và hệ thống thông tin liên lạc. 

Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng thi công phần hạ tầng của 98 căn biệt thự, dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ hoàn thành. Cũng theo chủ đầu tư, đến tháng 6/2022 sẽ khởi công dự án khách sạn 5 sao. 

Trao đổi với chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị đơn vị tập trung nguồn lực để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, đưa dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch. 

Hiện nay, nhà thầu đang tích cực thi công giai đoạn 1. Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ. Ảnh: Thành Duy
Hiện nay, nhà thầu đang tích cực thi công giai đoạn 1. Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ. Ảnh: Thành Duy
Giai đoạn 1 Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ gồm 98 biệt thự nghỉ dưỡng đang thi công phần móng. Ảnh: Thành Duy
Giai đoạn 1 Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ gồm 98 biệt thự nghỉ dưỡng đang thi công phần móng. Ảnh: Thành Duy

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực địa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, tại xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích 50,36 ha, bao gồm các khu chức năng: Khu vực chôn lấp hợp vệ sinh (22,54 ha); Khu hồ xử lý nước rác (8,73 ha); Khu chế biến phân vi sinh (1,82 ha); Khu xử lý rác cho tương lai (5,63 ha); Khu tiếp nhận (2,66 ha); Mương thoát nước mặt và cây (4,98 ha); Đường nội bộ (2 ha); Đường vào khu xử lý rác (2 ha).

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan khi đến thị sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan khi đến thị sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, có 2 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Ban Quản lý KKT Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang còn hiệu lực tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, với công suất thiết kế 600 tấn/ngày đêm chất thải rắn sinh hoạt và 3 tấn/ngày đêm rác thải y tế.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và xử lý rác đang do Công ty CP Môi trường và CTĐT tỉnh Nghệ An xử lý chôn lấp với công suất 470 tấn/ngày (thời điểm cao nhất). Còn Nhà máy lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty CP Galax đã tạm dừng xử lý từ ngày 16/3/2020 để nghiên cứu, thay đổi công nghệ mới, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện nay, một số nhà đầu tư cũng đang quan tâm đề xuất đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện tại khu vực này. 

Toàn cảnh khu vực xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh khu vực xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ảnh: Thành Duy

Qua thị sát tình hình thực tế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần khảo sát mô hình một số địa phương trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư phải đáp ứng được năng lực về vốn, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm; công nghệ, thiết bị xử lý phải hiện đại, đảm bảo yêu cầu đồng bộ, tiên tiến và đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Tin mới