Một góc xã Châu Nga. Ảnh: Đào Tuấn

Bí thư xã lên facebook tìm mối bán hàng cho dân

(Baonghean) -Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lô Văn Cương ở bản Thanh Sơn, xã Châu Nga (Quỳ Châu) khi anh đang cho đàn gà con uống thuốc phòng trừ dịch.“Mỗi tháng cũng thu hơn 5 triệu đồng. Cũng nhờ lãnh đạo xã giúp đỡ đấy, nhất là nhờ Bí thư xã lên mạng bán giúp" - anh Cương cười hồn nhiên cho biết.
Một góc xã Châu Nga. Ảnh: Đào Tuấn
Một góc xã Châu Nga. Ảnh: Đào Tuấn
Sử dụng mạng xã hội để quảng bá nông sản cho dân

Năm 2015, gia đình anh Cương là 1 trong 6 hộ ở bản Thanh Sơn được xã chọn tham gia dự án chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Dự án này do Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện hỗ trợ.

Thời gian triển khai dự án anh đã được các cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn các kiến thức nuôi gà, phòng bệnh cho gà theo từng thời kỳ… nhờ vậy hơn 40 con gà của gia đình đã đẻ trứng và ấp nở thêm nhiều lứa, cung cấp cho gia đình nuôi, đồng thời cung cấp thêm giống gà cho bà con xung quanh.

Trong 6 hộ nuôi, mỗi hộ được cấp 43 con giống, thức ăn ban đầu trong thời gian khoảng 3 tháng. Mặc dầu được hỗ  trợ của dự án nhưng có 4/6 hộ không nuôi đạt chỉ tiêu, cuối cùng, chỉ còn 2 hộ có gà nuôi. Riêng gia đình anh Cương có số lượng gà đẻ nhiều nhất.

Mỗi tháng nhờ nuôi gà, gia đình anh Lô Văn Cương thu về 4-5 triệu đồng. Số tiền này là niềm vui lớn đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đào Tuấn
Mỗi tháng nhờ nuôi gà, gia đình anh Lô Văn Cương thu về 4-5 triệu đồng. Số tiền này là niềm vui lớn đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đào Tuấn
Với kiến thức học được từ dự án, anh Cương chuyển sang nuôi gà thịt thả vườn. Mỗi lứa anh nuôi từ 100-120 con. Giống gà con, thuốc phòng, chữa bệnh cho gà anh đều mua từ thị trấn huyện. Mỗi lứa gà nuôi từ 3 - 4 tháng là cho thu hoạch, vừa bán lẻ, anh  vừa bán nhập cung cấp gà sạch cho cửa hàng giới thiệu sản phẩm của huyện. Sau khi trừ chi phí anh có lãi 6-7 triệu đồng/ lứa. Cứ lứa này gối lứa sau, lúc nào gia đình cũng có gà bán cho bà con trong vùng. Điều quan trọng là anh đã chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ dự án được tham gia, từ từng lứa gà, từng loại gà phù hợp với điều kiện nuôi của bà con.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga Võ Anh Tuấn (thứ hai bên trái), Chủ tịch UBND xã Châu Nga (bìa trái) kiểm tra mô hình nuôi gà của anh Lô Văn Cương. Ảnh: Nhật Lân
Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga Võ Anh Tuấn (thứ hai bên trái), Chủ tịch UBND xã Châu Nga (bìa trái) kiểm tra mô hình nuôi gà của anh Lô Văn Cương. Ảnh: Nhật Lân
 Nhưng điều phấn khởi nhất của gia đình anh Lô Văn Cương chính là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã. Với sự hồn nhiên, anh Cương kể: Có những lứa gà bán không được, anh lên xã “kêu” cán bộ.
Thấy được cái khó của bà con nông dân, Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga Võ Anh Tuấn và Chủ tịch UBND xã Lương Trí Dũng cùng xắn tay tìm cách giúp. Điều thuận lợi là nhà của cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND đều ở thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), bằng các mối quan hệ của mình, 2 người đứng đầu xã Châu Nga tìm mối nhập gà cho hộ chăn nuôi. Không chỉ có vậy, Bí thư Võ Anh Tuấn còn lên trang facebook cá nhân giới thiệu, quảng bá nông sản cho người dân Châu Nga. Thông qua mạng xã hội, Bí thư Võ Anh Tuấn đã nhiều lần giúp người dân bán nông sản thành công. “Có lần chỉ trong một buổi Bí thư Tuấn đã giúp gia đình bán được 120 con gà thịt” – anh Lô Văn Cương nói.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga Võ Anh Tuấn
“Nếu muốn tìm hiểu nông sản của xã mọi người cứ tìm nickname “Chợ Châu Nga” sẽ rõ hơn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga  Võ Anh Tuấn “bật mí”. Ảnh: Nhật Lân
Chia sẻ về điều này, ông Võ Anh Tuấn cho biết, hiện nay nhu cầu được sử dụng thực phẩm, nông sản an toàn rất lớn, trong khi tại địa bàn Châu Nga có nhiều sản phẩm bà con làm ra rất có chất lượng, như: dê, bò, lợn, gà, lúa nếp… Người dân sản xuất ra nông sản nhưng vì khoảng cách địa lý, trình độ dân trí thấp nên việc giới thiệu sản phẩm còn rất hạn chế, nhất là việc sử dụng công nghệ thông tin. Ông Võ Anh Tuấn cũng chia sẻ rằng, để hỗ trợ người dân giới thiệu nông sản, ông đã trực tiếp hướng dẫn một số hộ dân lập trang facebook cá nhân để tham gia hoạt động kết nối cộng đồng, trên cơ sở đó bà con chủ động giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm mình làm ra nhằm tăng thêm thu nhập. “Nếu muốn tìm hiểu nông sản của xã mọi người cứ tìm nickname “Chợ Châu Nga” sẽ rõ hơn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga “bật mí” thêm.
Những phụ nữ bản Thanh Sơn, xã Châu Nga ra đồng làm cỏ lúa. Ảnh: Đào Tuấn
Những phụ nữ bản Thanh Sơn, xã Châu Nga ra đồng làm cỏ lúa. Ảnh: Đào Tuấn

Đến những việc nhỏ ở vùng khó

Thực tế cho thấy, cách trung tâm huyện lỵ Tân Lạc khoảng 25 km, xã Châu Nga thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu. Xã là địa bàn giáp ranh với xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Diện tích tự nhiên của Châu Nga là 10.000 ha, nhưng trong đó có đến 7.500 ha đất rừng thuộc sự quản lý của Lâm trường Quỳ Châu. Toàn xã có 529 hộ, 2.183 nhân khẩu sinh sống tại 6 bản dân cư, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 49%. Đảng bộ xã có 9 chi bộ trực thuộc với 128 đảng viên. Cái nghèo, đói, lạc hậu bám riết đời sống người dân nhiều năm nay, tỷ lệ bỏ học giữa chừng cao. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều năm thiếu hụt nguồn cán bộ tại chỗ. Vậy nên, hiện tại cả Châu Nga chỉ có 3 cán bộ xã là người địa bàn (cán bộ Tư pháp, trưởng quân sự, trưởng công an), và có đến 13 người được luân chuyển từ huyện và các xã khác vào làm việc. Trong số này có Bí thư Đảng ủy Võ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Châu Nga Lương Trí Dũng.

Chủ tịch UBND xã Châu Nga Lương trí Dũng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Châu Nga hiện vẫn gần 49%. Nếu không có các mô hình kinh tế tiên phong xã sẽ khó giảm nghèo được. Ảnh: Nhật Lân
Chủ tịch UBND xã Châu Nga Lương Trí Dũng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Châu Nga hiện vẫn gần 49%. Nếu không có các mô hình kinh tế tiên phong xã sẽ khó giảm nghèo được. Ảnh: Nhật Lân
13 cán bộ được luân chuyển từ huyện và các xã khác vào. Cán bộ bầu cử 10 người đã có các vị trí như: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Thường trực. Công chức gồm 12 người thì đã có 9 người ngoài địa bàn, cán bộ tại chỗ chỉ có 3 đồng chí. (gồm cán bộ Tư pháp, trưởng công an, trưởng quân sự).

Nhận thấy cái đói nghèo, lạc hậu bám riết đời sống người dân qua nhiều năm, cùng với việc kiện toàn lại công tác nhân sự, sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ và quan tâm công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo xã Châu Nga tìm cách xây dựng các điển hình kinh tế để khơi dậy tinh thần tự chủ của người dân. Tháng 7 năm 2017, ông Võ Anh Tuấn được Huyện ủy Quỳ Châu điều động vào nhận nhiệm vụ tại xã Châu Nga, trước đó, vào  tháng 3/2016, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu Lương Trí Dũng cũng được tăng cường cho Châu Nga.

Xã Châu Nga có diện tích 10.000 ha, nhưng có đến hơn 7.500 đất rừng do Lâm trường Quỳ Châu quản lý, cả xã chỉ có 59 ha lúa. Ảnh: Nhật Lân
Xã Châu Nga có diện tích 10.000 ha, nhưng có đến hơn 7.500 đất rừng do Lâm trường Quỳ Châu quản lý, cả xã chỉ có 59 ha lúa. Ảnh: Nhật Lân
Trước thực tế cả xã chỉ có 59 ha lúa nước, diện tích đất lâm nghiệp nhiều nhưng không có rừng sản xuất, một số mô hình phát triển kinh tế được lãnh đạo xã chỉ đạo xây dựng và thực hiện. Đó là thí điểm trồng 3 ha mít Thái Lan với 325 gốc và lựa chọn 4 hộ tham gia tại các bản: Thanh Tân, Liên Minh, Tân Tiến, Nga My. Xã hỗ trợ cả giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hướng dẫn người dân trồng cây lát hoa, sưa đỏ.
Theo tính toán của Bí thư Đảng ủy xã Võ Anh Tuấn, nếu trồng cây sưa đỏ, với điều kiện chăm sóc tốt, 10 năm cho thu hoạch, bình quân mỗi gốc thu 10 triệu đồng. Xã cũng huy động các nguồn để hỗ trợ 150 triệu đồng cho 20 hộ nuôi gà. Đặc biệt, với gia đình nào có con em  bỏ học, xã sẽ vận động trở lại trường bằng hình thức hỗ trợ gà giống nhằm tăng thu nhập, coi như đây là nguồn quỹ kinh phí giúp các em đến trường. Năm học vừa qua có 6 gia đình đã cho con em học tiếp cấp 3 nhờ cách làm này. 
Giống vịt bầu Quỳ được người dân Châu Nga nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Ảnh: Đào Tuấn
Giống vịt bầu Quỳ được người dân Châu Nga nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Ảnh: Đào Tuấn
Về trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đảng ủy xã đã ban hành công văn hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng vườn rau gia đình”, giao hội phụ nữ chủ trì, hội nông dân, đoàn thanh niên cùng phối hợp thực hiện. Sau một thời gian triển khai, đến nay có trên 70% gia đình có vườn rau, có bản 60/75 hộ có vườn rau, đảm bảo nguồn rau xanh và ATTP.

Tin mới