Biện pháp nâng cao hiệu quả mô hình nông nghiệp ở Tương Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Qua 1 năm thực hiện Kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số mô hình nông nghiệp tại Tương Dương cho thấy, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao rõ rệt. Vì vậy, cách làm này sẽ được địa phương tiếp tục nhân rộng.

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch của UBND huyện Tương Dương về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số mô hình nông nghiệp tại 3 xã, thì Tam Quang là địa phương có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.

Nổi bật là mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7 ha. Hiện tại, vùng sản xuất thanh long ruột đỏ của xã Tam Quang đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì và mã QR truy xuất nguồn gốc trong xây dựng sản phẩm quả thanh long ruột đỏ, trở thành sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh cuối năm 2021.

Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao ở huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu: Đặng Cường
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao ở huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Ở xã Tam Quang, nhờ ứng dụng công nghệ chuồng kín, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi lợn tập trung nên không chỉ nâng cao năng suất chăn nuôi, mà còn giúp địa phương đảm bảo tốt công tác giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ. Các cấp chính quyền đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ xây 5 hầm xử lý chất thải nhằm giữ chuồng trại luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn Tam Quang đã có 13 hộ nuôi với quy mô 20 - 50 con lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi và xuất bán 2-3 lứa. Bên cạnh đó, người dân cũng được hướng dẫn ứng dụng công nghệ truyền tinh nhân tạo cho 100 con nái/60 hộ để sản xuất con giống, cung ứng đủ giống lợn trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Không chỉ trong chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi bò vỗ béo cũng đang từng bước giúp người dân Tam Quang nâng cao thu nhập thông qua mô hình “Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng khoa học công nghệ” tại làng Bãi Sở. Các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo, thú y phòng bệnh đã được áp dụng đối với 500 con bò tại 50 hộ. Các gia đình còn mua sắm máy móc để cơ giới hóa trồng cỏ dinh dưỡng cao trên 30 ha, đồng thời áp dụng cách chế biến thức ăn vỗ béo trâu, bò bằng công nghệ ủ chua lên men thức ăn thô, xanh; ứng dụng công nghệ vi sinh ủ 400 tấn phân chuồng bằng nấm đối kháng Trichoderma Nano để sản xuất, cung cấp phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho thu lãi 150 triệu đồng/năm. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho thu lãi 150 triệu đồng/năm. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Cũng với cách làm này, tại thị trấn Thạch Giám đã có 18 hộ gia đình có thu nhập cao từ chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo 150 con bò, hiện đàn bò sinh sản được 22 con bê.

Còn ở xã Tam Thái, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ổi lê Đài Loan theo hướng VietGAP. Cụ thể, người dân được hướng dẫn cách xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 1,2 ha ổi lê Đài Loan tại bản Đoọc Búa, mang lại thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha cho các hộ tham gia thực hiện mô hình.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN&PTNT UBND huyện Tương Dương cho biết, qua đánh giá 1 năm triển khai Kế hoạch Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số mô hình nông nghiệp tại xã Tam Quang, Tam Thái và thị trấn Thạch Giám cho thấy, đây là cách làm phù hợp với định hướng phát triển của huyện, từng bước làm thay đổi nhận thức của người nông dân trên địa bàn huyện về sản xuất nông nghiệp hướng nông nghiệp hàng hóa, hiệu quả và bền vững.

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh của người sản xuất, chuyển đổi tập quán canh tác theo lối công nghiệp, phù hợp với nền kinh tế thị trường; gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN&PTNT UBND huyện Tương Dương

Cùng với đó, theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Tương Dương, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn là biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động xấu do sản xuất nông nghiệp gây ra như tồn dư hóa chất, thuốc BVTV trong trồng trọt; chất thải chăn nuôi, mầm bệnh trong chăn nuôi, thủy sản... Đồng thời, giúp khai thác chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bón cho cây lúa, rau,…

Nhờ sử dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật về giống, cùng các quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, nên năng suất cây trồng, vật nuôi và thủy sản không ngừng được nâng lên, chất lượng sản phẩm nông sản đảm bảo, tăng giá trị sản phẩm. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ làm gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn cách làm thông thường 30-40%.

Tin mới