Biến thể Delta thay đổi cuộc chiến chống Covid-19: Chọn loại bỏ hay sống chung với virus?

Các nhà chức trách ở một số quốc gia hiện đang cân nhắc liệu nên tiếp tục áp dụng chiến lược "Không Covid" hay chuẩn bị để sống chung với dịch bệnh.

Loại bỏ hay sống chung với virus?

Khi một ca Covid-19 đột nhiên xuất hiện ở New Zealand hồi tuần trước, quốc gia này đã áp dụng hướng tiếp cận từng sử dụng từ khi đại dịch bắt đầu: Đó là phong tỏa nghiêm ngặt nhằm cố gắng loại bỏ virus.

New Zealand thực hiện phong tỏa từ 18/8 sau khi ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 ở Auckland. Ảnh: Reuters
New Zealand thực hiện phong tỏa từ 18/8 sau khi ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 ở Auckland. Ảnh: Reuters

Gây sửng sốt với thế giới khi áp dụng lệnh phong tỏa dù chỉ có 1 ca mắc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Chính phủ đã nhận thấy những lợi ích của việc nhanh chóng áp đặt lệnh phong tỏa, vốn giúp quốc gia này không có ca mắc Covid-19 trong 170 ngày trước.

"Hành động quyết liệt từ sớm đã có hiệu quả với chúng tôi trước đây", Thủ tướng New Zealand nhận định với báo giới.

Tuy nhiên, quốc gia này đã nhanh chóng nhận ra rằng biến thể Delta, như Thủ tướng Ardern thừa nhận, là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi".

Kể từ khi ca mắc đầu tiên được ghi nhận vào đầu tuần trước, đợt bùng phát mới đây ở New Zealand đã tăng lên 210 ca. Ngày 25/8, New Zealand ghi nhận kỷ lục 62 ca.

Dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn đang khiến New Zealand đối mặt với thách thức mà các quốc gia khác trên thế giới cũng phải đương đầu khi theo đuổi chiến lược loại bỏ số ca mắc.

Khi biến thể Delta trở nên áp đảo, hiện không rõ liệu những biện pháp trước đó như phong tỏa, cách ly, xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc nhanh liệu có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 hay không.

Các nhà chức trách ở những quốc gia như Trung Quốc và Australia hiện đang cân nhắc liệu nên tiếp tục áp dụng chiến lược "Không Covid" hay chuẩn bị để sống chung với dịch bệnh.

Tại Australia, tình thế tiến thoái lưỡng nan đã chia rẽ đất nước này.

Bang New South Wales, hiện đang đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ, đã từ bỏ chiến lược loại bỏ số ca mắc trong khi những nơi khác như Western Australia vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược đưa số ca mắc về con số 0.

Các chuyên gia y tế cũng chia rẽ về việc này mặc dù tất cả đều nhất trí rằng việc thúc đẩy chiến lược tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất trong việc đối phó với biến thể Delta, đặc biệt nếu các nhà chức trách bang và liên bang muốn mở cửa biên giới.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Griffin, giáo sư tại Đại học Queensland nhận định hôm 25/8 rằng các bang như Queensland sẽ đối mặt với những đợt bùng phát không thể tránh khỏi do những lỗ hổng trong quy trình cách ly hoặc kiểm soát biên giới.

"Việc có quá nhiều ca Covid-19 khiến việc tiếp tục duy trì tất cả các biện pháp này trở nên phi thực tế. Chúng ta có tỷ lệ xét nghiệm cao và chúng ta cần duy trì điều đó. Việc sử dụng khẩu trang cũng được thực hiện tốt. Nhưng cần có nhiều người tiêm vaccine, đây mới là điểm mấu chốt".

Cái giá của chiến lược Không Covid

Trái lại, Trung Quốc cho thấy nước này sẽ không dịch chuyển khỏi hướng tiếp cận Không Covid, bất chấp đợt bùng phát số ca nhiễm biến thể Delta gần đây. Các ca mắc ở một sân bay tại Nam Kinh ngày 20/7 đã khiến Trung Quốc quay lại các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt, cách ly và hạn chế đi lại.

Thủ đô Bắc Kinh đã phong tỏa nhiều nơi khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 với việc hủy bỏ các chuyến tàu, máy bay và xe bus đường dài. Những người đi tới thủ đô của Trung Quốc phải trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các biện pháp này đã được thực hiện hiệu quả và Trung Quốc không ghi nhận ca mắc nội địa nào ngày 22/8.

Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục hướng tiếp cận hiện nay mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine tiếp tục đóng vai trò lớn trong chiến lược của nước này.

Nhà dịch tễ học Trung Quốc Chung Nam Sơn tuần trước cho biết Trung Quốc cần tiêm vaccine cho hơn 80% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng và dấu mốc này có thể đạt được vào cuối năm nay.

Tương tự, Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang tìm cách tiến về 0 ca mắc và áp dụng một trong những biện pháp kiểm soát biên giới cũng như cách ly nghiêm ngặt nhất thế giới để nối lại việc đi lại với Trung Quốc đại lục.

Chiến lược này dường như có hiệu quả khi thành phố này chỉ ghi nhận 2 ca mắc cộng đồng trong tháng này và không có ca nào trong tháng 7.

Tuy nhiên, việc đi lại với Trung Quốc đại lục vẫn bị hạn chế do dịch bệnh bùng phát ở đặc khu này hoặc ở Trung Quốc đại lục.

Tuần trước, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã rút lại quyết định rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 7 ngày với những người đã tiêm vaccine từ những khu vực có rủi ro trung bình như Singapore hay Nhật Bản.

Hong Kong cũng đưa nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp và Malaysia vào khu vực có rủi ro cao trong khi Australia được dịch chuyển từ rủi ro trung bình xuống rủi ro thấp.

Ngày 24/8, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết cuộc tranh luận về việc theo đuổi chiến lược Không Covid "không phải là một vấn đề phân biệt rạch ròi đen trắng".

Lấy Singapore làm ví dụ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết tỷ lệ tiêm vaccine của nước này là khoảng 80% trong khi con số này ở Hong Kong là hơn 60%.

"Có một sự khác biệt lớn trong tình hình tiêm vaccine ở 2 nơi này. Điều đó có lẽ là một nhân tố mà Chính phủ Singapore đã tính đến trong khi tôi phải cân nhắc đến việc chúng tôi chưa đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cần thiết".

Nhà dịch tễ học Ben Cowling, một giáo sư ở Đại học Hong Kong cho rằng mục tiêu đưa số ca mắc về con số 0 là "một chiến lược tối ưu cho Hong Kong trong 18 tháng qua".

"Tuy nhiên, có những cái giá đáng kể về kinh tế và xã hội của chiến lược Không Covid và có lẽ khó có thể đánh giá về dài hạn".

"Các biện pháp y tế công cộng đã được áp dụng phù hợp để có thêm thời gian cho tới khi vaccine sẵn có. Hiện nay, với việc vaccine sẵn có cho bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên, tôi nghĩ chúng ta nên có một lịch trình để nới lỏng các biện pháp y tế công cộng theo từng nấc dựa trên mức độ tiêm vaccine cao dần".

Thể hiện quan điểm tương tự, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết vào tuần này rằng, bất kỳ nỗ lực nào từ New Zealand hoặc các quốc gia khác vẫn tiếp tục chiến lược Không Covid về dài hạn là điều "vô lý".

"Bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào nghĩ rằng họ có thể phần nào tự bảo vệ mình trước Covid-19 với biến thể Delta kéo dài như hiện nay, thật vô lý. Cách để vượt qua đại dịch chính là đạt tỷ lệ tiêm vaccine từ 70 - 80% và mở cửa an toàn./.

Tin mới