Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Lãnh đạo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định biến thể này có thể lấn lướt những chủng cũ của SARS-CoV-2.

Tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, hệ thống giám sát trọng điểm của Việt Nam, nhất là các viện, bệnh viện, cục thường xuyên lấy mẫu, giải trình tự gene.

"Qua đó, chúng tôi ghi nhận Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến chủng BA.5 của Omicron", ông Lân xác nhận.

Theo ông, khi một biến chủng mới xâm nhập, chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ chúng lấn lướt biến chủng cũ. Tuy nhiên, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới.

Giáo sư Lân khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát kỹ biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta.

Cũng thông tin tại buổi gặp mặt, Giáo sư Phan Trọng Lân cho biết, qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó.

Về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này, y học thế giới hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chưa được công bố cũng cho thấy chúng gây biểu hiện bệnh nặng hơn.

"Tuy nhiên, để có được bức tranh đầy đủ hơn về biến chủng này. Chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Trên thế giới, WHO cũng bước đầu ghi nhận biến chủng BA.4 và BA.5 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ.

Về tình hình dịch Covid -19 hiện nay, Giáo sư Lân cho biết, dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

"Trên thế giới, số mắc Covid-19 tăng 8%, tử vong giảm 3%. Tuy nhiên, nhiều nước đang lo ngại bùng phát mới trong mùa Hè. Số ca mắc Covid-19 trên thế giới cũng chưa ổn định, có lúc tăng, lúc giảm, không đồng đều giữa các khu vực", ông cho biết.

Có mặt tại buổi gặp mặt, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định thế giới vẫn trong đại dịch. Đồng thời, WHO cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm,...

"Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện này thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả"- GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.

Biến chủng BA.5 là gì?

Chỉ vài tuần sau khi dòng phụ BA.2 gây làn sóng gia tăng ca mắc mới trên toàn cầu, hai biến chủng phụ khác của Omicron cũng tiếp tục lây lan ra hàng chục quốc gia. Đây là hai biến chủng được các chuyên gia ở Nam Phi phát hiện vào tháng 1, có khả năng phát tán mạnh hơn BA.2. Sau đó, đến đầu tháng 4, nó xuất hiện ở Mỹ và dần chiếm ưu thế trong các ca bệnh mới.

Nhưng cho đến nay, theo Tạp chí Nature, BA.4 lẫn BA.5 dường như gây ít ca tử vong, nhập viện hơn. Dấu hiệu này cũng cho thấy khả năng miễn dịch ngày càng tăng của con người giúp khắc phục hậu quả tức thì của tình trạng gia tăng ca mắc Covid-19.

BA.4 và BA.5 mang những đột biến độc đáo của riêng chúng, với những thay đổi ở đột biến L452R, F486V trên protein gai. Điều này giúp virus bám dính vào tế bào vật chủng nhanh hơn, dễ dàng hơn, thậm chí có thể điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.

Một nghiên cứu hồi tháng 5 phát hiện BA.4 và BA.5 có chung nguồn gốc với các chủng Omicron trước đó. Song, một phân tích khác chưa được công bố lại cho rằng, đây là hai nhánh phụ của BA.2. Công trình do các nhà di truyền học tiến hóa Bette Korber và William Fischer tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, New Mexico, Mỹ, thực hiện.

TS Korber và Fischer cũng phát hiện nhiều trình tự bộ gene được phân loại là BA.2 trong cơ sở dữ liệu công khai thực sự là BA.4 hoặc BA.5. Do đó, giới nghiên cứu có thể đang đánh giá thấp sự gia tăng liên tục của các biến chủng, cũng như sự đa dạng của các đột biến mà chúng sản sinh ra.

Tin mới