Biểu hiện sớm và cách phòng tránh viêm não Nhật Bản

(Baonghean.vn) - Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao, di chứng có thể gây liệt và làm tổn thương não.

Nguyên nhân 

Muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh
Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt.

Căn nguyên gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút Viêm não Nhật Bản. 

Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi Culex hút máu động bị vật nhiễm vi rút (loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải quả nhãn như tu hú, liếu điếu; một số loài gia súc, trong đó quan trọng nhất là lợn nhà) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.

Muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè.
Muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè.

Ở Việt Nam loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du.

Biểu hiện của viêm não Nhật Bản

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn:

Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Giai đoạn khởi phát: Khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Giai đoạn toàn phát: Tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê); biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng); kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.

Tỷ lệ tử vong từ 0,3% - 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm vi khuẩn

Giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và/hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm phòng viêm não Nhật bản theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm phòng viêm não Nhật bản theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.

Diệt muỗi và chống muỗi đốt.

Các hộ gia đình cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở.

Người dân phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc diệt muỗi và diệt bọ gậy.

Cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ màn. Có thể sử dụng một số loại thuốc bôi da cho trẻ, những loại thuốc này có tác dụng chống muỗi đốt hiệu quả và an toàn.

Đối tượng nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Những người sống trong vùng có lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản, đặc biệt với trẻ từ 1 đến 15 tuổi. 

Khách du lịch, người đi lao động, công tác, người nhập cư đến từ vùng không có miễn dịch, có thời gian lưu trú hơn 1 tháng ở vùng nông thôn và hơn 12 tháng ở thành phố nơi có bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành.

Thời điểm tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ 

Chia làm 2 nhóm:

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi thì tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình Tiêm chủng mở rộng như sau: Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.

Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản như sau: Mũi 1: càng sớm càng tốt; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.

Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. 

Những trường hợp không nên tiêm hoặc hoãn tiêm vắc - xin viêm não Nhật Bản

Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ có thai.

Người đang sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.

Người đang mắc bệnh tim, gan, thận, đái tháo đưòng giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính.

Người có cơ địa quá mẫn với Thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dị ứng với vắc-xin viêm não Nhật Bản lần tiêm trước.

Người nhiễm HIV đã chuyển thành AIDS./.


Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới