Biểu tượng về tình bạn và chủ nghĩa yêu nước chân chính

(Baonghean) - Một trong những sự kiện lớn quan trọng của tỉnh Nghệ An năm 2017 là tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.

Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và làm rõ những giá trị to lớn, cao đẹp của cuộc đời, sự nghiệp cứu nước của Chí sỹ Phan Bội Châu đối với lịch sử dân tộc Việt Nam; góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Nghệ An - Nhật Bản nói riêng. 

Cụ Phan Bội Châu (ngồi giữa) xung quanh là trưởng làng và chức sắc của làng Okamoto Sanjiro bên tấm bia tri ân bác sỹ Asaba. 	Ảnh tư liệu
Cụ Phan Bội Châu (ngồi giữa) xung quanh là trưởng làng và chức sắc của làng Okamoto Sanjiro bên tấm bia tri ân bác sỹ Asaba. Ảnh tư liệu

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/12, với sự tham dự của gần 250 đại biểu trong và ngoài nước. Tại đây có 46 tham luận, (trong đó có 15 tham luận của đại biểu tỉnh Nghệ An) đầy tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các vị giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Phan Bội Châu với nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.

Một trong những khía cạnh rất đặc biệt, có giá trị đạo đức và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Hội thảo rất quan tâm chính là một tình bạn lớn, trong sáng và cao cả giữa chí sỹ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro.

Trước đó, để phục vụ cho hội thảo, tỉnh Nghệ An đã cử đoàn cán bộ trực tiếp sang Nhật Bản nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về những hoạt động của chí sỹ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du tại Nhật Bản cũng như tình bạn lớn, trong sáng và cao cả giữa chí sỹ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro.

Trong chuyến công tác, đoàn đã đến thành phố Fukuroi quê hương của bác sỹ Asaba - người đã có nhiều ân tình với Phan Bội Châu và phong trào Đông Du. Dù có những khác biệt về ngôn ngữ và điều kiện sống cũng như thân phận mỗi người, nhưng sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm giữa 2 người đã tạo dựng nên một tượng đài về tình bạn, về chủ nghĩa yêu nước chân chính và những giá trị nhân văn cao đẹp.

Năm 1908, khi phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo gặp vô vàn khó khăn, Bác sỹ Asaba Sakitaro tận tình giúp đỡ. Sau đó, cụ Phan Bội Châu về nước. Năm 1918, Phan Bội Châu quay trở lại Nhật Bản tìm ân nhân xưa thì biết tin bác sỹ Asaba Sakitaro đã qua đời.

Khi đó, Phan Bội Châu đã cùng người dân làng Asaba Umeda, thành phố Fukuroi quyên góp tiền để dựng bia tưởng niệm bên mộ của bác sỹ, tỏ lòng biết ơn và thương tiếc vô hạn. Trải qua thời gian dài, nhưng những ân tình của Phan Bội Châu cũng như những tình cảm mà bác sỹ Asaba Sakitaro cùng những người đồng hương của bác sỹ dành cho cụ Phan Bội Châu vẫn còn nguyên vẹn.

Đoàn cán bộ Nghệ An tham quan những địa điểm lưu giữ dấu ấn Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu ở Nhật Bản.  Ảnh: Hồ Hà
Đoàn cán bộ Nghệ An tham quan những địa điểm lưu giữ dấu ấn Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Ảnh: Hồ Hà


Ông Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trưởng đoàn công tác cho biết: “Chuyến đi thực tế có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đoàn đã sưu tầm được các tài liệu liên quan về những hoạt động của chí sỹ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du tại Nhật Bản để phục vụ Hội thảo quốc tế “Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” và nhiều tài liệu, hiện vật bổ sung cho nhà trưng bày Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn; các tài liệu giới thiệu về quan hệ giữa Asaba và Phan Bội Châu, về bia Asaba bằng tiếng Việt và tiếng Nhật”.

Hội thảo “Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” sẽ bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, cũng như làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của một nhà yêu nước nhiệt thành đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam và trong lòng người dân xứ Nghệ.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng: “Việc chúng ta tổ chức Hội thảo Quốc tế “Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakytaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” và các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sỹ Phan Bội Châu trên quê hương Nghệ An, nơi sinh ra và nuôi dưỡng lòng yêu nước và chí hướng cứu nước của ông là việc làm thiết thực, không chỉ có ý nghĩa giáo dục về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc, mà còn có ý nghĩa giáo dục giá trị tốt đẹp và nhân văn sâu sắc. Đây cũng là điểm nhấn rất đặc biệt, tạo tiền đề cho sự phát triển, vươn tới một tầm cao mới về quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản”.

Lê Thanh - Châu Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới