Bình yên Puxailaileng

(Baonghean) - Puxailaileng - đỉnh núi cao nhất trong dãy Trường Sơn hùng vĩ quanh năm mây mù bao phủ. Từ ngàn đời nay, khối núi sừng sững như một mái nhà vững chãi che chở cho đất và người ở miền biên ải phía Tây Tổ quốc. Và dường như, đó cũng là biểu tượng cho tình đoàn kết quân dân trên mảnh đất Kỳ Sơn đang ngày ngày chung vai sát cánh xây dựng quê hương phát triển; vun đắp nền hòa bình, hữu nghị với nước bạn Lào.

Quốc lộ 7, con đường như một dải lụa mềm mại nối vùng đồng bằng trù phú ven biển xứ Nghệ lên với mảnh đất miền Tây Nghệ An mà điểm cuối là huyện Kỳ Sơn, rồi mở lối thông thương sang nước bạn Lào và cả vùng Đông Bắc Thái Lan. Con đường có ý nghĩa chiến lược đến nỗi người Pháp từng ví nó là “chìa khóa Đông Dương”. Nói vậy để thấy, Kỳ Sơn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và cả đất nước. Trong nhiều lần lên công tác ở huyện vùng biên này, qua trao đổi, các đồng chí lãnh đạo huyện luôn nhấn mạnh quan điểm có tính chất tổng quát là: “Yên biên giới, ổn định nội địa”.  
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Cắn và Biên phòng 221 (CHDCND Lào) phối hợp tuần tra song phương tại Cột mốc 407.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Cắn và Biên phòng 221 (CHDCND Lào) phối hợp tuần tra song phương tại Cột mốc 407.
Xã biên giới Nậm Càn chỉ vẻn vẹn hơn 300 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông. Dân số ít nhưng địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đường biên giới với nước bạn Lào dài đến 25 km. Do đó, ngoài chăm lo phát triển kinh tế, công tác phối hợp tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới luôn được quân và dân rất coi trọng. Đồng chí Và Lìa Nênh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Theo kế hoạch, các lực lượng quân sự, công an và nhân dân địa phương luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng đóng chân trên địa bàn như biên phòng để làm tốt công tác dân vận, tuần tra, bảo vệ cột mốc. Do đó, an ninh trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo; đường biên, cột mốc được bảo vệ, giữ vững”. 
Dân quân tự vệ xã Hữu Lập giúp nhân dân làm đường bê tông  xây dựng nông thôn mới.
Dân quân tự vệ xã Hữu Lập giúp nhân dân làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới.
Có được điều này, hàng năm, xã Nậm Càn đều xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng công an, quân sự và đồn biên phòng và hàng tháng có giao ban, trao đổi các nội dung về tình hình trên địa bàn. Đồng thời theo kế hoạch, Ban CHQS xã phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Càn, công an xã và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc mỗi quý một lần. Trong các hoạt động đó, Tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Càn trở thành lực lượng tiên phong, xung kích. Đồng chí Và Bá Rê, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nậm Càn cho biết: “Tiểu đội luôn đảm bảo 100% quân số trong thời gian cao điểm và duy trì chế độ trực thường xuyên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng gia sản xuất như chăn nuôi gà, dê để nâng cao thêm chất lượng bữa ăn cho anh em. Một nhiệm vụ khác rất quan trọng đó là thực hiện công tác dân vận thông qua giúp đỡ nhân dân, nhất là những gia đình khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Trong năm 2014, đơn vị đã giúp làm lại 4 nhà dân không may bị lốc xoáy”. 
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác…, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn còn tập trung xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dân quân cơ động… vững mạnh, nhất là xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của Tiểu đội dân dân thường trực tại xã Nậm Càn và Nậm Cắn. Ngoài nhiệm vụ thường trực của người lính, công tác dân vận rất được xem trọng với các hoạt động giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… Trao đổi về nhiệm vụ quốc phòng tại địa phương, Trung tá Phạm Xuân Thanh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn cho biết: Xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, làm tốt công tác vận động quần chúng là những giải pháp cơ bản nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đó cũng là cách làm để lực lượng công an huyện Kỳ Sơn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong bối cảnh có vị trí giáp biên, giao thông đi lại thuận lợi, việc đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy vẫn là cuộc chiến chưa bao giờ dứt. Bên cạnh đánh án giỏi, lực lượng công an huyện còn là những nhà dân vận khéo khi tập trung xây dựng các mô hình như: “xã không có ma túy, xã không có tội phạm”, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chúng tôi tập trung xây dựng lực lượng giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; mạnh về dân vận. Đó là nền tảng để xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.
Để “yên biên giới, ổn định nội địa”, bên cạnh yếu tố nội tại thì công tác đối ngoại với nước bạn Lào được Kỳ Sơn đặc biệt chú trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện thường xuyên phát huy, giữ vững mối quan hệ hòa bình, hợp tác, hữu nghị đặc biệt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện biên giới của nước bạn Lào. Hai bên thường tổ chức giao ban, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, thăm hỏi kịp thời thông qua các ngày lễ, Tết và các sự kiện quan trọng của mỗi nước; đồng thời phối hợp các lực lượng của Lào tổ chức tuần tra biên giới bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. 
Đặc biệt, thực hiện chủ trương kết nghĩa bản – bản, 11/11 xã biên giới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều có các bản ký kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào ở bên kia bên giới. Chúng tôi đã có dịp lên với bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, địa phương đã tổ chức kết nghĩa với bản Loọng Quặng, cụm bản Noọng Hét Tảy, huyện Noọng Hét và được nghe nhiều câu chuyện về tình hữu nghị giữa nhân dân hai bản vùng biên của hai nước. Từ sẻ chia cân gạo, hạt muối đến trang bị thiết bị nghe nhìn… cho phía bản của nước bạn Lào. Đồng chí Trần Hữu Phi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn cho biết: Trong điều kiện phía bạn còn khó khăn, bản Tiền Tiêu đã có những giúp đỡ thiết thực nhằm giúp nhân dân bản Loọng Quặng. Mỗi việc làm, hành động dù nhỏ nhưng đã vun đắp thêm tình đoàn kết giữa hai bên, từ đó xây dưng đường biên giới hoàn bình ổn định”.
Nhận định về hiệu quả của công tác “yên biên giới, ổn định nội địa”, đồng chí Lầu Chông Vừ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Sự chủ động, tích cực của các lực lượng quân sự, công an trong công tác tham mưu cho huyện và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng đứng chân trên địa bàn, cùng với thực hiện tốt công tác đối ngoại đã xây dựng được thế trận vùng biên vững chắc. Từ đó tạo nền tảng để Kỳ Sơn thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương một cách hiệu quả.
Ở nơi núi cao, hiểm trở, quân và dân Kỳ Sơn vẫn trụ vững, xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc 192 km đường biên, cột mốc và vun đắp tình hữu nghị đặc biệt với nhân dân nước bạn Lào. Bản lĩnh đó vững chãi, mạnh mẽ tựa hồ chiều cao vợi vợi, sững sừng của dãy Puxailaileng. Đó cũng phẩm chất khiến trong mỗi người chúng tôi dậy lên niềm tin và kỳ vọng vào đất và người nơi đây trong hành trình bước tiếp trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Nhật Lệ

Tin mới