Bộ ba chiến hạm Ba Lan của Hải quân Việt Nam

Chưa tính 6 tàu SAR Ba Lan sắp đóng cho Cảnh sát biển, trong biên chế Hải quân Việt Nam đã có 3 chiếc chiến hạm xuất xứ từ quốc gia này.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI cho biết, trong giai đoạn 1979 - 1980, Hải quân Việt Nam đã nhận được 3 chiếc Polnocny-B - Dự án 771 đã qua sử dụng do Liên Xô viện trợ. Đây là một lớp tàu đổ bộ hạng trung do Ba Lan hợp tác thiết kế với Liên Xô và bắt đầu sản xuất tại Ba Lan từ năm 1967.

Biên đội Polnocny-B của Việt Nam được đánh số hiệu từ 511 cho tới 513. Thông số kỹ thuật cơ bản bao gồm chiều dài 73 m; sườn ngang 9,02 m; mớn nước 2,3 m; lượng giãn nước đầy tải 834 tấn; thủy thủ đoàn 37 người (trong đó có 4 sĩ quan).

Trái tim của tàu là 2 động cơ diesel 2 trục chân vịt Kolomna 40-D do Liên Xô chế tạo có công suất máy 4.400 mã lực, cho tốc độ tối đa 18,4 hải lý/h (33 km/h), tầm hoạt động lớn nhất 1.000 hải lý.

Tàu đổ bộ Polnocny-B - Dự án 771 của Hải quân Việt Nam
Tàu đổ bộ Polnocny-B - Dự án 771 của Hải quân Việt Nam

Tàu Polnocny-B được thiết kế theo phong cách truyền thống với phần mũi có hai cánh cửa lớn dạng hình cung, có thể mở ra để phương tiện cơ giới chui vào hoặc tiến ra và một đường dốc nhằm tạo thuận lợi cho việc đổ bộ lên bãi biển. 

So với các tàu đổ bộ của phương Tây thì kích thước của Polnocny-B nhỏ bé hơn khá nhiều và không có sàn đáp trực thăng. Tuy nhiên nó vẫn có khả năng mang theo một lượng tương đối lớn xe tăng, xe thiết giáp và lính thủy đánh bộ bên trong khoang.

Lượng phương tiện và binh lính mà Polnocny-B mang được bao gồm 6 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, hoặc 6 xe bọc thép chở quân BTR-60 (hay BTR-80), hoặc 5 xe tăng hạng nhẹ PT-76 cùng hơn 100 lính thủy đánh bộ với đầy đủ vũ khí trang bị.

"Hạm đội" 3 tàu đổ bộ Polnocny-B của Hải quân Việt Nam
"Hạm đội" 3 tàu đổ bộ Polnocny-B của Hải quân Việt Nam

Dàn hỏa lực của Polnocny-B gồm có 2 pháo tự động cao tốc 2 nòng AK-230 cỡ 30 mm, ngoài nhiệm vụ chính là phòng không thì nó còn có thể sử dụng để yểm trợ hỏa lực hay bắn chế áp mục tiêu mặt nước khá hiệu quả.

Bên cạnh đó là 2 giàn pháo phản lực phóng loạt WM-18A Ogon cỡ 140 mm với 18 quả đạn dùng để dọn bãi cho quân đổ bộ. Cuối cùng là 4 tên lửa phòng không vác vai SA-N-5 (phiên bản hải quân của SA-7), có thể dễ dàng nâng cấp lên SA-N-10 (SA-16).

Trong tương lai gần, các tàu Polnocny-B trong biên chế Hải quân Việt Nam dự kiến sẽ được thay thế bằng những lớp tàu đổ bộ tiên tiến do ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tự chế tạo với đầy đủ chức năng đổ quân, dọn bãi và có khả năng triển khai trực thăng tấn công.

Theo Báo Đất việt

TIN LIÊN QUAN

Tin mới