'Bộ ba Đức Thọ' trong màu áo SLNA

(Baonghean.vn) - Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được xem là một trong những cái nôi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ từng thành danh trong màu áo SLNA, điển hình nhất là bộ 3 Nguyễn Tiến Quang, Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Phi Hùng. Đây là những "công thần" của đội bóng xứ Nghệ trong giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000.
Gương mặt đầu tiên là Nguyễn Tiến Quang, người nhiều tuổi nhất trong số 3 cầu thủ họ Nguyễn đến từ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Cựu hậu vệ phải sinh năm 1968 đã cùng với Lê Văn Lưu (hậu vệ thòng), Nguyễn Hữu Thắng và Lê Thành Long (hậu vệ dập), Văn Sỹ Sơn (hậu vệ cánh trái) tạo nên hàng phòng ngự vô cùng vững chắc, góp phần giúp SLNA trở thành một đối thủ vô cùng khó chịu với mọi đội bóng ở Việt Nam.
Cựu hậu vệ Nguyễn Tiến Quang (giữa). Ảnh: FB Trần Quang Dũng
Cựu hậu vệ Nguyễn Tiến Quang (giữa). Ảnh: FB Trần Quang Dũng

Khác với những đồng đội thi đấu bên cạnh, Nguyễn Tiến Quang sở hữu lối chơi cần mẫn, ít có những tình huống vào bóng quyết liệt trên mức cần thiết. Cho nên, suốt sự nghiệp cầu thủ của mình, rất hiếm khi Nguyễn Tiến Quang bị "ăn thẻ" từ các vị trọng tài chính. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến Nguyễn Tiến Quang không tạo được nhiều ấn tượng, những dấu ấn đặc biệt với người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ. Năm 1998, Quang "tù" giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.

Gương mặt thứ hai là Nguyễn Văn Tiến. Thời còn thi đấu, cầu thủ sinh năm 1969 chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải, nổi tiếng với 2 "món đặc sản" là những quả ném biên rất xa và những cú đá phạt trực tiếp có lực rất mạnh. Rất nhiều lần, đội bóng xứ Nghệ có được bàn thắng sau một quả ném biên hoặc một cú đá phạt của tiền vệ mang áo số 14.
HLV Nguyễn Văn Tiến (áo trắng). Ảnh: SLNA FC
HLV Nguyễn Văn Tiến (áo trắng). Ảnh: SLNA FC

Sau khi chia tay sự nghiệp cầu thủ với hàng loạt danh hiệu tập thể, Nguyễn Văn Tiến được Ban lãnh đạo SLNA giữ lại phụ trách công tác đào tạo trẻ. Thành tích đầu tiên trên cương vị mới của HLV Nguyễn Văn Tiến là giúp U17 SLNA giành chức vô địch tại VCK U17 QG năm 2009, được tổ chức trên sân Thiên Trường (Nam Định). Hiện tại, HLV Nguyễn Văn Tiến đang dẫn dắt U19 SLNA, nơi người đồng hương Nguyễn Tiến Quang đang giữ vai trò trợ lý.

Gương mặt thứ ba là Nguyễn Phi Hùng, cậu em út trong bộ 3 cầu thủ quê ở huyện Đức Thọ. Không ngoa khi nói rằng, cầu thủ sinh năm 1974 là một trong những gương mặt xuất sắc nhất của bóng xứ Nghệ trong giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000. Ngoài vị trí tiền vệ phòng ngự, Hùng "phi lao" còn chơi tốt ở vị trí hậu vệ dập, hậu vệ cánh trái và tiền vệ cánh trái, mỗi khi được HLV trưởng yêu cầu.
Với lối chơi máu lửa nhưng không kém phần tinh quái của mình, Nguyễn Phi Hùng không chỉ là trụ cột của SLNA mà còn thường xuyên có mặt trong thành phần Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Colin Murphy, Alfred Riedl và Dido (từ năm 1997 - năm 2001). Đáng tiếc, Nguyễn Phi Hùng không để lại ấn tượng gì đặc biệt trong màu áo đội tuyển Quốc gia ở những giải đấu lớn như SEA Games và Tiger Cup (tên gọi cũ của AFF Cup).
Cựu tiền vệ Nguyễn Phi Hùng. Ảnh tư liệu
Cựu tiền vệ Nguyễn Phi Hùng. Ảnh tư liệu

Kết thúc mùa giải 2002, Nguyễn Phi Hùng đầu quân cho HAGL. Tại đội bóng phố núi, Hùng "phi lao" tiếp tục giành được 2 chức vô địch V.League ở mùa giải 2003 và 2004. Ở giai đoạn cuối của sự nghiệp cầu thủ, cựu tiền vệ Đội tuyển Việt Nam lần lượt khoác áo Bình Định và Đà Nẵng, trước khi giã từ sân cỏ ở cuối mùa giải 2005, để chuyển sang lĩnh vực ẩm thực. 

Cùng quê, cùng có nhiều năm cống hiến cho SLNA, nhưng cuộc sống sau khi giải nghệ của bộ 3 cầu thủ người Đức Thọ đi theo những hướng khác nhau. Trong khi Nguyễn Tiến Quang và Nguyễn Văn Tiến tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng tròn, thì Hùng "phi lao" lại luôn bận rộn với công việc kinh doanh nhà hàng./.

Tin mới