Bỏ biên chế trọn đời, bước tiến đầy quyết đoán

BỎ BIÊN CHẾ TRỌN ĐỜI,
BƯỚC TIẾN ĐẦY QUYẾT ĐOÁN

Xin được mở đầu bài viết tuần này bằng một câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra cách đây hơn 2 thập kỷ,  và xin tiết lộ đó là kỷ niệm  rất không vui đối với tác giả bài viết này.

Một ngày cuối thu năm 1996, Lan (bạn gái tôi) quyết định dẫn tôi về ra mắt bố mẹ nàng. Khác với nhà tôi mấy đời làm ruộng, gia đình Lan chủ yếu là thành phần có nguồn gốc “ăn sổ gạo”. Bố Lan là công nhân quốc phòng, còn mẹ Lan công tác ở cửa hàng dược. Tôi vinh dự được gia đình mời ở lại dùng cơm tối. Khi những câu chuyện rôm rả xã giao xen tiếu lâm dí dỏm của “phần hội”  khép lại cũng là lúc bên bàn trà, “phần lễ” chính thức bắt đầu. Bố mẹ Lan hỏi han về gia đình nhà tôi, về công việc và cả những dự định của hai đứa. Tôi vừa lúng túng lại vừa hạnh phúc ứng phó với màn “hỏi xoáy đáp xoay của hai cụ”. Sau những tìm hiểu khá ngọn ngành mẹ Lan chốt bằng một câu hỏi cháy đáp án, “Như rứa là cháu chưa  biên chế à?”. Rồi bố Lan cũng làm rõ vấn đề bằng cách tấn công thẳng vào trực diện rằng: “Nhà bác biên chế cả, cái Lan nó cũng là người Nhà nước, bác nghĩ nếu cháu có ý định lâu dài với Lan thì khó phù hợp. Bao giờ cháu vào được biên chế hai đứa đến với nhau cũng chưa muộn”. Tôi đủ minh mẫn để nhận thấy mình bị trục xuất ra khỏi gia đình danh giá ấy.

Tôi, ngoài hai mươi tuổi, bẽ bàng và bất lực trước pha “thách cưới” có một không hai này. Ngày ấy “biên chế” là một cái gì đó quá cao xa và vô vọng với lớp người mà thành phần gia đình chủ yếu là “bần nông” như chúng tôi. Tất nhiên, sau màn tra khảo tiền hôn nhân không úp mở ấy thì phần thua cay đắng nghiêng về kẻ ngoài biên chế. Mặc dù Lan cố cứu vớt bằng những cam kết thiếu tin cậy. Một tuần sau tôi khấp khởi nhận được thư tay của Lan.

“Anh! Em chẳng biết nói gì nữa. Bố và mẹ quá cương quyết! Em có thể làm bất cứ điều gì để được bên anh trừ việc chống lại quan điểm bố mẹ. Hãy tha thứ cho em anh nhé”. Tôi kết thúc mối tình đầu trong nhẹ bẫng nhưng lại ì ạch mang theo hai chữ “biên chế” giấu sâu vào tâm khảm. Rồi chả mấy chốc tôi đi dự đám cưới Lan, chú rể tất nhiên là một nhân vật khu trú và nhận lương theo hệ số đâu đó trong bộ máy Nhà nước! Hạnh phúc của họ nằm trong “màu biên chế” cao xa. Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  vậy mà đã mấy chục năm, con gái nhà Lan cũng đã xong đại học. Tuần trước tình cờ gặp lại Lan trong một cuộc hội ngộ xóm cũ. Lan giãi bày “Con gái em học xong rồi. Nó muốn làm ngoài nhưng em đang quyết tâm chạy cho cháu vào biên chế”. Tôi cười, “Nếu chạy chọt thành công thì nhà Lan biên chế trở thành nghề gia truyền nhỉ, ba thế hệ rồi còn gì”.

Tranh minh họa:  Ngọc Diệp
Tranh minh họa: Ngọc Diệp

Thưa bạn đọc, đó là một câu chuỵện mà tôi chỉ thay đổi tên nhân vật chứ chẳng hề có một phần trăm hư cấu nào. Đã một thời gian quá dài dân mình chuộng biên chế đến điên dại. Biên chế là chứng chỉ không lời của đỉnh cao thành đạt. Có biên chế là có tất cả, sự trọng vọng, thu nhập, tính ổn định, và cá biệt biên chế còn mang giá trị mặc cả… hôn nhân! Người ta tìm mọi cách, bằng mọi giá để sống chết “chạy” bằng được vào biên chế. Xung quanh chỗ tôi ở có mấy gia đình còn bán cả đất đai để lo việc làm cho con. Tất nhiên khái niệm “việc làm” vẫn mặc định là một vị trí ấm chân trong bộ máy miệt mài hưởng lương Nhà nước. Trên mặt trận việc làm thì biên chế đương nhiên là “vùng cấm bay” đối với những người không phải “hậu duệ”, không nhiều “tiền tệ” hoặc không có “quan hệ”. Tại sao dân mình lại thèm thuồng biên chế đến như vậy? Dạ vâng, vào được biên chế coi như đã thò trọn vẹn  được cả hai chân vào lãnh địa an toàn, nơi sự cào bằng thu nhập được tôn trọng tuyệt đối và nguyên tắc sống lâu lên lão làng được đề cao. Đã vào được biên chế thì bạn có thể làm việc khi bạn muốn nhưng cũng có thể sáng cắp ô đi chiều cắp ô về mỗi khi sự hào hứng trở nên xa xỉ.

Nguyên nhân ở đâu ư, đó chính là chất lượng bộ máy. Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc đã có lần thẳng thắn chỉ ra rằng: “Đội ngũ của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ TT&TT ông Lê Doãn Hợp cũng phát biểu: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”. Hình như ai đó đã từng có tổng kết đầy cay đắng về bộ máy biên chế của chúng ta rằng: “Ai cũng có việc làm nhưng không ai chịu làm việc – Không ai chịu làm việc nhưng ai cũng có lương – Ai cũng có lương nhưng lương ai cũng không đủ sống – Lương ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng cứ sống”. Với một bộ máy chất lượng như vậy, với một cung cách quản lý vận hành kém hiệu quả như vậy thì việc lựa chọn vào nhà nước của những người “hừng hực lười biếng” là đương nhiên.

Có một điều chắc chắn là vào được biên chế thì họ không có cô đơn bao giờ. Họ làm gì đến mức phải lạc lõng giữa khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chỉ tính sơ sơ cũng đã chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Lại ngó sang nước Mỹ xa xôi, diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Đội ngũ công chức của Trung Quốc cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Theo một tính toán gần đây thì cứ 160 người dân Mỹ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một biên chế!

Tranh minh họa: Duy Hùng
Tranh minh họa: Duy Hùng

Ít nhất chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách hành chính, mỗi lần như thế chả giảm được gì mà bộ máy lại càng biến chứng để phình to thêm. Khẩu hiệu tinh giản biên chế treo đầy văn bản và trở thành công cụ trang trí hành chính trong các diễn đàn mà thôi. Giảm lần này không được chuyển sang giảm lần khác, giảm lần khác không được chuyển sang giảm lần khác nữa. Giảm không được, giảm mãi không được, càng giảm càng không được vậy thì chỉ có cách là bỏ thôi. Cảm ơn Quốc hội đã bấm nút đầy quyết đoán để tháo gỡ một nấc nghẽn xuyên thế kỷ! Một quyết định góp phần tinh lọc bộ máy, một quyết định để bảo đảm sự công bằng cho người lao động, một quyết định góp phần đưa nước nhà tiến gần hơn với những chuẩn mực hành chính hiện đại và hội nhập. Chắc chắn người dân sẽ thở phào khi cái cảm giác “nuôi báo cô” trọn đời một ai đó được giải phóng. Chả nghi ngờ gì nữa, bỏ biên chế trọn đời là sự lựa chọn không chỉ sáng suốt, không chỉ thông minh, không chỉ tối ưu mà còn là tất yếu! Chúng ta không thể cứ mãi ấp ủ và chung thân với cái mô hình lạc hậu thâm căn ấy.

Những hòn đá tảng đã, đang và sẽ ngáng đường để hưởng phụ cấp thâm niên sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, quan trọng hơn là hòn đá tảng lâu nay ngáng trở trong tư duy hành chính đã được khai thông. Tất nhiên, mọi cuộc thay đổi đều không tránh khỏi những “chấn thương phần mềm”. Nhưng chúng ta có cơ sở để hy vọng, tin cậy vào một bộ máy trong sạch, hiệu quả và lành mạnh hơn.  Xã hội không còn phát cuồng với biên chế, tư duy bao cấp sẽ không còn thống trị trong văn hóa ứng xử của con người và tất nhiên hệ sinh thái  “ngoài biên chế” sẽ không bị kỳ thị đến mức… ế vợ!