'Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình...'

(Baonghean) - Ngày xưa, khi học văn học dân gian ấn tượng nhất cái câu “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình/Ba bộ đồng tình bóp cổ dân đen”.

Ấn tượng là bởi nó đem lại cảm giác u tối, nghẹt thở và cả sự bất lực của người dân dưới ách cai trị của quá nhiều thế lực... Đó là chuyện ngày xưa, chuyện thời phong kiến. Nay thì không còn những chuyện đó. Nhưng trong một số địa hạt tình cảnh “một cổ nhiều tròng” không phải là không còn, không có.

Đơn cử như hôm 3/10 vừa rồi, trong một hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đại diện cho 1.100 nhà máy, 300.000 công nhân của 16 khu công nghiệp đã liệt kê các loại thông tư, nghị định, thủ tục, giấy phép con… mà các doanh nghiệp phải tuân thủ.

Hình minh họa. Nguồn Internet
Hình minh họa. Nguồn Internet

Trong đó, của Bộ Tài chính, liên quan đến 1.645 thủ tục; Bộ Tư pháp 678; Bộ Công Thương 547... chưa kể 18 bộ, ngành khác. Đúng là một “rừng thủ tục”. Và để có thể hoàn thành được chừng đó thủ tục, nếu có “cửa chạy”, có “hệ thống bôi trơn” hỗ trợ thì nhanh nhất,  một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phải mất tới nửa tháng mới thực hiện được. Trong khi đó, việc đó, ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia… chỉ mất từ một đến hai ngày. Chưa nói đến chất lượng sản phẩm, chỉ cần nói đến thời gian thôi thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt không thể “lại” được. Cũng chặng đường đó, người ta đi mất có 2 ngày, còn mình phải mất tới 14 ngày, không thua, không tụt hậu mới là lạ!

Điều đáng quan tâm là tình trạng này đã diễn ra từ lâu, lần gặp gỡ nào với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp cũng đều kêu ca, phàn nàn và kiến nghị đơn giản thủ tục để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; nhưng rồi tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nếu không muốn nói là giẫm chân tại chỗ.

Hơn 2 năm trước, người đứng đầu Chính phủ lúc đó khi nghe về các thủ tục liên quan ngành Hải quan và Thuế đã không giấu nổi kinh ngạc mà thốt lên rằng “không thể chấp nhận được”. Và sau đó Chính phủ đã có những chỉ đạo để cải thiện tình hình. Nhưng rồi người dân, mà cụ thể là doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận những việc “không thể chấp nhận được”. Có vẻ như đã có những lúc “phép vua thua lệ làng”. Vì những cái “lệ” đó có lợi cho “làng” nên những người có trách nhiệm ở trong “làng” kiên quyết không bỏ, không phá “lệ”. Thành ra, đến bây giờ, doanh nghiệp lại tiếp tục kêu ca, nhờ giải quyết những việc mà họ đã kêu suốt bao nhiêu năm nay.

Một việc, khiến nhiều người cảm động và kỳ vọng là những việc “không thể chấp nhận được” mà họ đã phải chấp nhận suốt từ nhiều năm qua sẽ không phải tiếp tục gánh chịu trong thời gian tới, đó là, đích thân Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện tới Chủ tịch Quốc hội tha thiết đề nghị sớm trình ra trước Quốc hội dự án luật sửa đổi các thủ tục đầu tư, kinh doanh nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm về một chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Hành động đó đã cho thấy nỗi đau đáu, trăn trở của người đứng đầu Chính phủ, trước những cản trở trì trệ của bộ máy và cả quyết tâm khắc phục, tháo gỡ những rào cản đó. Nhưng, việc này, có người đã ví là giống như một đoàn tàu, dù đầu tàu có mã lực lớn và có kéo khỏe, có kéo mạnh đến mấy cũng không thể tiến nhanh được nếu các toa hàng phía sau cứ ung dung, đủng đỉnh. Thậm chí là thỉnh thoảng còn kéo phanh hãm lại. Vì thế, mong muốn ấy, quyết tâm ấy chỉ thật sự biến thành hiện thực khi cả bộ máy, cả hệ thống cùng hướng về một mục đích. Nghĩa là “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình/Ba Bộ đồng tình phục vụ nhân dân” thì mới ổn.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN