Bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017: 'Thả nổi' về chất lượng?

(Baonghean) - Bỏ điểm sàn đại học là một trong những điểm mới trong Dự thảo về tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng trong năm 2017. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến chất lượng tuyển sinh.
Năm 2017 là năm thứ 3 Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án thi và tuyển sinh chính thức của năm 2017 vẫn chưa được công bố. Gần đây nhất vào cuối tháng 12/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số phương án mới để lấy ý kiến sửa đổi.
Theo đó, trong kỳ thi tới, thí sinh đăng ký không hạn chế nguyện vọng, không hạn chế số trường. Quá trình đăng ký thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. 
Sinh viên Trường Trung cấp nghề Việt Anh.
Sinh viên Trường Trung cấp nghề Việt Anh.
Bên cạnh đó, một điểm mới đang được dư luận quan tâm là Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ điểm sàn đại học. Lý do chính là hiện nay việc quy định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp trung học phổ thông, còn các trường đại học quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Việc này được thực hiện như đối với các trường cao đẳng năm 2016.
Ngay sau khi dự thảo tuyển sinh được đưa ra, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là việc bỏ điểm sàn. Trong đó, vấn đề đáng lo ngại nhất là việc tuyển sinh sẽ diễn ra tràn lan, khó kiểm soát về chất lượng.
Tại Nghệ An, điều này càng có cơ sở vì trên thực tế trong vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của các trường đại học chủ yếu chỉ ngang bằng điểm sàn; hoặc có trường còn “nới lỏng” việc tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ. Đầu vào thấp có thể dẫn đến đầu ra kém chất lượng. Đây cũng là hệ lụy của việc cử nhân ra trường không có việc làm, thất nghiệp tràn lan như hiện nay.
Sinh viên Trường Đại học Vinh.
Sinh viên Trường Đại học Vinh.
Lo ngại hơn cả là các trường thuộc hệ trung cấp và cao đẳng. Như Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, năm học trước, ngoài khoa Mầm non việc tuyển sinh còn khá khả quan, còn các khoa khác mỗi khoa chỉ tuyển được vài chỉ tiêu dù điểm đầu vào chỉ 12 điểm, ngang với mức điểm sàn. Năm nay, nếu quy định về điểm sàn bị bỏ, việc tuyển sinh sẽ càng khó khăn hơn khi trên địa bàn có Trường Đại học Vinh vốn có thế mạnh nhiều năm đào tạo sư phạm và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm rất lớn. 
Hay ở các trường cao đẳng nghề, cơ hội để tuyển đầu vào có chất lượng là rất khó, bởi cánh cửa vào đại học cho các thí sinh luôn rộng mở.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ  thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng: Điểm sàn để phân loại học sinh và những học sinh không đủ điểm sàn các em sẽ có sự lựa chọn thứ 2, thứ 3 vào các trường cao đẳng, dạy nghề. Nhưng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn, học sinh sẽ ồ ạt vào đại học, dẫn đến đầu vào bị thả lỏng.
Trong trường hợp đầu ra không được siết chặt thì chất lượng đại học khó đảm bảo. Kết quả, sẽ cho ra trường hàng nghìn sản phẩm không đạt yêu cầu, không được xã hội và các doanh nghiệp công nhận. Thực tế cũng cho thấy, nếu học sinh không đủ năng lực vào đại học thì các em nên đi học nghề để sau khi ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định.
Cùng chung ý kiến trên, thầy giáo Phan Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Anh cho biết: “Học sinh học đại học, làm “thầy” thì phải có những tố chất đặc biệt về trí tuệ, tư duy và sự thông minh. Tại Việt Nam, những năm qua có một thực tế là “thầy” quá nhiều, nhưng hiệu quả đào tạo thì không cao. Như ở trường  chúng tôi, một năm có từ 60 - 80% sinh viên có trình độ đại học nhưng ra trường không có việc làm phải đi học lại trung cấp”. 
Bên cạnh đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn, nới lỏng cho các trường đại học sẽ đi ngược lại với chủ trương phân luồng hiện nay. Trong khi đó, theo Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2020, có 30% học sinh tốt nghiệp sẽ chuyển sang học nghề.
Nói thêm về điều này, ông Phan Huy Hoàng đưa ra so sánh: “Ở các nước có nền giáo dục phát triển họ không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng họ đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT, và các em chọn trường, chọn nghề theo đúng năng lực của mình. Hiện tại, chúng ta tổ chức phân luồng, hướng các em học nghề nhưng nếu bỏ điểm sàn thì nguồn tuyển sinh cho các trường sẽ thu hẹp lại. Đặc biệt là khi hiện nay tâm lý bằng cấp vẫn còn nặng nề trong đại bộ phận nhân dân”.
Về phía các trường đại học, dù ủng hộ việc bỏ điểm sàn nhưng lãnh đạo các trường cũng rất cân nhắc khi nói về vấn đề này. Hơn thế, họ còn cho rằng điểm sàn như một “con dao hai lưỡi”, không thể cứ vin vào đó là có thể dễ dàng tuyển được thí sinh.
Thầy giáo Dương Công Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho rằng: “Việc bỏ điểm sàn thì các trường đại học sẽ có nhiều nguồn tuyển sinh hơn. Tuy nhiên, các trường cũng không thể dễ dãi với bản thân mình vì nếu tuyển sinh nguồn đầu vào thấp, chất lượng đào tạo không đảm bảo thì chỉ một hai năm phụ huynh và học sinh sẽ quay lưng với nhà trường. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng đầu ra, đào tạo đúng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.
Mục đích của điểm sàn là nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và định hướng phân luồng học sinh. Vì vậy, khi bỏ điểm sàn rõ ràng sẽ dẫn đến những bất cập nảy sinh, hơn thế làm mất cơ cấu lao động trong tương lai, gia tăng thêm tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Hiện theo dự báo, trong năm 2017, tỷ lệ lao động thất nghiệp cả nước sẽ tăng khoảng 1 triệu người; trong đó, có khoảng 200.000 thạc sỹ, cử nhân ra trường sẽ không có việc làm. Từ thực tế bất cập này, rõ ràng phụ huynh và học sinh cần cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp cho con em.
Và quan trọng nhất phải lựa chọn ngành nghề đúng năng lực, sở trường và đúng với nhu cầu tuyển dụng của xã hội, tránh lãng phí các nguồn lực của xã hội.
Song Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Tin mới