Bộ GD-ĐT lý giải chỉ chọn 6 tác phẩm Ngữ văn học bắt buộc

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ bắt buộc chọn 6 tác phẩm Ngữ văn có vị trí về tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc...

Một trong những vấn đề dư luận đang băn khoăn đối với dự thảo chương trình môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới là tại sao phải học 6 tác phẩm bắt buộc và vì sao lại chọn 6 tác phẩm ấy mà không nhiều hoặc ít hơn?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn chính thức trả lời về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết lý do Bộ GD-ĐT lựa chọn 6 tác phẩm để đưa vào chương trình môn Ngữ văn giáo dục phổ thông mới?

Bộ GD-ĐT lý giải chỉ chọn 6 tác phẩm Ngữ văn học bắt buộc ảnh 1
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT chỉ chọn 6 tác phẩm Ngữ văn học bắt buộc.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Việc lựa chọn tác phẩm bắt buộc đều dựa vào các tiêu chí. Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã nêu lên các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản nói chung, cụ thể:

Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; Giúp học sinh có hứng thú đọc văn; Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung,… và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Riêng 6 tác phẩm bắt buộc (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập), ngoài các tiêu chí trên còn phải đáp ứng được một số yêu cầu khác. Đó là có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc và giá trị nhân văn; có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc; có giá trị và tác động lâu bền đối với nhiều thế hệ.

Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại “văn, sử, triết bất phân”, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Đó có thể coi là một trong những yêu cầu bắt buộc về một số tác phẩm mà học sinh phổ thông có bằng tú tài phải biết.

Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… là những tác phẩm không thể thay thế.

Bộ GD-ĐT lý giải chỉ chọn 6 tác phẩm Ngữ văn học bắt buộc ảnh 2
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Học sinh còn được học hàng trăm tác phẩm khác

PV: Cũng có ý kiến khác cho rằng, với 6 tác phẩm bắt buộc, dường như chương trình đang thiếu đi mảng văn học hiện đại, thiếu đi hơi thở đương đại với những vấn đề thế sự, đời tư. Ông lý giải sao về điều này?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Nếu chương trình chỉ học 6 tác phẩm này thì đúng băn khoăn. Nhưng không phải học sinh chỉ được học 6 tác phẩm này mà còn được tiếp xúc, đọc hiểu, phân tích và đánh giá hàng trăm tác phẩm khác nữa.

Với hơn 4500 giờ, SGK và giáo viên Ngữ văn sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về đọc hiểu theo các thể loại của văn học hiện đại kể cả mảng văn học mang cảm hứng thế sự đời tư, đề tài và cảm hứng chỉ có ở văn học Việt Nam sau năm 1986.

Việc cần đáp ứng yêu cầu hình thành cách đọc, phương pháp đọc theo thể loại văn học hiện đại (truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, ký…) đã được chương trình nêu lên đầy đủ trong chuẩn cần đạt và coi đó là cơ sở để tổ chức dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Không ai ngăn cản các tác giả SGK và giáo viên dạy các tác phẩm hiện đại, mang cảm hứng thế sự đời tư.

Nhưng cũng cần khẳng định, cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo đáng được đề cao. Yêu nước, đánh giặc cũng là biểu hiện của nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn.

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”như Nguyễn Trãi đã khẳng định. Vả lại đó chính là thực tiễn lịch sử và thành tựu văn học nước ta.

PV: Nếu có tới hàng trăm tác phẩm như ông nói thì chương trình môn Ngữ văn có thực sự giảm tải như mục tiêu đặt ra?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: 6 tác phẩm bắt buộc này học rải ra trong khoảng 7 năm từ cuối cấp THCS đến hết THPT bên cạnh hàng trăm tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại lớn của văn học dân tộc ở nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau thì không có gì là nặng nề.

Cần khắc phục quan niệm cứ tác phẩm trung đại là khó, còn tác phẩm hiện đại là dễ. Khó hay dễ phải tùy vào từng tác phẩm cụ thể và tùy thuộc vào yêu cầu của chương trình, đặc biệt là cách dạy của giáo viên.

Văn bản, tác phẩm khó nhưng giáo viên biết truyền đạt vẫn hấp dẫn và có hiệu quả hơn nhiều tác phẩm dễ mà giáo viên không biết dạy. Vì thế việc làm thế nào để học sinh yêu thích văn học nói chung và các tác phẩm trung đại nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào các thầy cô giáo Ngữ văn, chứ không phải các tác phẩm này khó hoặc không có giá trị./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin mới