Bỏ hạn chót phải đổi bằng lái ôtô sang thẻ nhựa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ bỏ việc ấn định thời hạn phải đổi giấy phép lái xe (GPLX) ôtô từ giấy bìa sang vật liệu PET thay vì thời hạn 31/12/2016. 

Bỏ hạn chót phải đổi bằng lái ôtô sang thẻ nhựa
Ngày 112, dù không còn quá đông nhưng nhiều người dân vẫn phải chờ đợi để nhận giấy phép lái xe bằng nhựa PET - Ảnh: Chí Tuệ

Bộ GTVT khẳng định như vậy trong thông cáo phát ra chiều 1-12 về việc chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET. Việc bỏ thời hạn trên áp dụng cả cho bằng A4 (cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1 tấn). Hiện tượng người dân phải chen lấn, chờ đợi đã giảm hẳn…

Được nhiều người hưởng ứng?

Theo Bộ GTVT, GPLX ôtô và máy kéo bằng giấy bìa sẽ vẫn được sử dụng cho đến khi bằng lái hết hạn.

Bộ GTVT nêu sẽ bỏ quy định: sau 6 tháng kể từ ngày 31-12-2016, người có GPLX ôtô bằng giấy bìa nếu không đổi sang vật liệu PET sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX (như thông tư số 58/2015 đã quy định). Riêng GPLX môtô các loại vẫn được giữ lộ trình đổi với hạn cuối là 31-12-2020.

Mặc dù phải bỏ quy định nhưng Bộ GTVT vẫn cho rằng việc chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET đã được nhiều người dân tích cực hưởng ứng bởi nó mang đến cho cả người cấp thẻ lẫn người sử dụng nhiều lợi ích thiết thực như: độ bền cao hơn, kích thước nhỏ gọn, tính bảo mật cao, dễ phát hiện thật, giả... Bộ GTVT cũng liệt kê hàng loạt bất cập của thẻ bằng giấy bìa.

Theo báo cáo của các địa phương, Bộ GTVT nêu đến nay cả nước đã chuyển đổi xong 95% GPLX ôtô sang thẻ PET, chỉ còn khoảng 300.000 GPLX, đảm bảo xong trong năm 2016 theo lộ trình.

Giải thích thêm, Bộ GTVT nêu việc xây dựng thông tư 58/2015 đã được lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động trên cổng thông tin điện tử của bộ và cổng thông tin của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Tuy nhiên, sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, Bộ GTVT nêu đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế thông tư quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Dự kiến thông tư mới sẽ được ban hành trong một vài ngày tới.

Bộ Tư pháp giải thích “tuýt còi” chậm

Trao đổi về việc thông tư 58/2015 được ban hành một năm mới bị “tuýt còi” có quá chậm trễ, ông Đồng Ngọc Ba - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho biết thông tư này sau khi được ban hành một thời gian khá lâu thì cục mới nhận bản Bộ GTVT chuyển sang theo quy định.

Cục đã thẩm định cách đây khoảng ba tháng. “Để ra được kết luận, chỉ được những điểm bất hợp lý, những nội dung không đúng quy định của pháp luật phải có thời gian".

"Khi xem xét thấy có sai sót, cục đã có ý kiến trực tiếp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT. Còn kết luận chính thức vừa rồi mới có chứ không phải vừa rồi mới kiểm tra” - ông Ba nói.

Về thắc mắc một thông tư ngay khi ban hành đã gặp phải sự phản đối của dư luận nhưng mất thời gian khá dài phía Bộ Tư pháp mới “tuýt còi”, ông Ba giải thích: “Kỳ vọng của người dân, xã hội là muốn làm nhanh hơn, chúng tôi rất hiểu, chúng tôi cũng đã cố gắng làm".

"Lực lượng làm công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp rất mỏng trong khi lượng văn bản ban hành của các bộ ngành, địa phương rất lớn".

"Trong trường hợp này cũng cần phải có thời gian trao đổi thảo luận kỹ lưỡng, lấy ý kiến, họp với chính cơ quan 
ban hành”.

Ông Ba cũng cho biết thêm việc thực hiện thông tư 58/2015 nếu gây ra hậu quả thì cơ quan ban hành phải có hướng khắc phục.

Theo Tuoitre

TIN LIÊN QUAN

Tin mới