Bỏ hộ khẩu, chứng minh thư: Một quyết định hợp lòng dân

(Baonghean.vn) - Đây là một quyết định rất hợp lòng dân và đúng đắn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên việc bỏ hộ khẩu, CMND không có nghĩa là buông lỏng  quản lý.

Ngày 4/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Nghị quyết này được đánh giá là hợp lòng dân, cần sớm đi vào cuộc sống.

Rất đông người dân đến Công an thành phố Vinh làm hộ khẩu vào sáng ngày 7/11/2017. Ảnh: Thanh Sơn
Rất đông người dân đến Công an Thành phố Vinh làm hộ khẩu vào sáng ngày 7/11/2017. Ảnh: Thanh Sơn

Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư

Với Nghị quyết, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân...

Cụ thể: Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.

Cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ. Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ.

sổ hộ khẩu về bản chất là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình. Đây chỉ là cuốn sổ mỏng ghi thông tin của cá nhân trong hộ gia đình, “nhưng việc gì, chuyện gì người ta cũng đòi hộ khẩu”.
Sổ hộ khẩu về bản chất là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình. Lâu nay, rất nhiều thủ tục giấy tờ đòi hỏi hộ khẩu. Ảnh: Tư liệu

Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.

Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.

Nghị quyết vì dân

Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành. Nghị quyết là tiền đề quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay; có giá trị đột phá cho sự phát triển của chính phủ điện tử, quản lý dân cư khoa học hơn.

Nghị quyết thông qua đã nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An. Anh Nguyễn Bá Thăng, người dân phường Vinh Tân, T.p Vinh cho rằng: Chính phủ đã có thêm quyết định hợp lòng dân, giúp mọi người được quyền tự do cư trú, vừa đỡ tốn kém, phiền hà. Khi sổ hộ khẩu được loại bỏ thì người dân chúng tôi đỡ phải lên phường, về quê để thực hiện các thủ tục đóng dấu xác nhận vào đơn xin đi học, đi làm; không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo sổ hộ khẩu...

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự: Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư lgóp phần “cởi trói”, “phá rào cản” cho nhiều cư dân ở thành phố lớn song không có hộ khẩu. Ảnh: Thanh Sơn
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự: Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư góp phần “cởi trói”, “phá rào cản” cho nhiều cư dân ở thành phố lớn không có hộ khẩu. Ảnh: TL

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự khẳng định: Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư là phù hợp với xu thế chung của thế giới; góp phần “cởi trói”, “phá rào cản” cho nhiều cư dân ở thành phố lớn không có hộ khẩu được quyền bình đẳng trong khám chữa bệnh, BHYT, đi học, làm việc ở các cơ quan hành chính công; tạo sự tiện lợi, đảm bảo quyền công dân, giúp người dân thực hiện tốt quyền hộ tịch, hộ khẩu...

Thực ra, đến nay Nhà nước mới bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân là không sớm.

Ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập: khi mà hộ khẩu không còn đóng vai trò quan trọng nữa thì việc bỏ đi là phù hợp với các bước phát triển của xã hội. Ảnh: TL
Ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập: "Khi hộ khẩu không còn đóng vai trò quan trọng nữa thì việc bỏ đi là phù hợp với các bước phát triển của xã hội". Ảnh: TL

Ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập, T.p Vinh nhìn nhận:  Thực tế, hiện nay, Luật Cư trú đã không có những chế tài về hộ khẩu. Bên cạnh đó, các thông tư của Bộ Tư pháp cũng quy định việc xác nhận hồ sơ lý lịch công dân chỉ xác nhận chữ ký công dân. Bởi vậy, khi mà hộ khẩu không còn đóng vai trò quan trọng nữa thì việc bỏ đi là phù hợp.

Việc số hóa, cấp mã số định danh cá nhân là rất tốt cho việc quản lý dân cư. Tuy nhiên để chủ trương này đi vào cuộc sống đòi hỏi quá trình, thời gian chuẩn bị. Ông Đinh Xuân Năm, nguyên Trưởng Công an phường Hồng Sơn, T.p Vinh phân tích: Khi bỏ hộ khẩu, chắc chắn ban đầu cơ quan quản lý và người dân sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhỏ như xác định mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ con và làm thẻ căn cước công dân.  

Sớm đi vào cuộc sống

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định: Đây là một quyết định rất hợp lòng dân và đúng đắn trong việc cải cách thủ tục hành chính, bỏ những loại giấy tờ không cần thiết cho người dân. Tuy nhiên việc bỏ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân không có nghĩa là chúng ta buông lỏng công tác quản lý.

Nhiều người lo lắng là người dân ở các tỉnh đổ dồn về thành phố lớn thì rất khó kiểm soát nhưng thực chất là kiểm soát được hết, kể cả với người nước ngoài sang Việt Nam. Ví dụ như tỉnh Nghệ An có 3,2 triệu mã định danh. Chúng tôi yêu cầu tất cả các khách sạn, quán trọ hàng ngày, hàng giờ phải bấm lên và phải khai báo có bao nhiêu người. Sau đó, chúng tôi chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ: Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đang được hoàn tất toàn bộ. Cơ quan quản lý đã chuẩn bị chu đáo rồi. Chúng ta cần có thời gian để chuyển đổi nhưng không dài. Với sự quyết liệt của Chính phủ, việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ được thực hiện sớm nhất. Chưa thể tổng kết hết được là việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư sẽ tiết kiệm cho người dân như thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ là tiết kiệm được rất nhiều về công sức cho người dân, kinh phí cho cơ quan Nhà nước khi phải in giấy để làm sổ, trả chi phí cho nhân viên.

Trung tá Phạm Vũ Cường, Phó Trưởng Công an T.p Vinh khẳng định, với cơ quan công an, việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm soát cư trú theo mã số định danh sẽ rút ngắn thời gian làm việc, thủ tục hành chính. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này. Hiện nay, Bộ Công an và các bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện; khi có hướng dẫn, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Để triển khai Nghị quyết, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trung tá
Trung tá Phạm Vũ Cường, Phó Trưởng Công an T.p Vinh:  Sau có hướng dẫn thực hiện cụ thể, Công an Thành phố Vinh sẽ tập trung thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: TL

Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát cho biết, trong tháng 11/2017, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã chỉ đạo công an các địa phương thu thập 15 thông tin của công dân và thực hiện việc cấp cho mỗi người một số định danh duy nhất để dùng chung.

Các hoạt động đầu tư máy chủ, đường truyền, các thiết bị phục vụ việc nhập dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ triển khai thực hiện sau khi tổ chức hội nghị này. Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ được tích hợp vào hai máy chủ này đặt tại Hà Nội và Tp.HCM. Đồng thời với đó là xây dựng đường truyền tốc độ cao, trang bị kỹ thuật... để kết nối 63 địa phương, 713 quận/huyện, 11.000 xã/phường/thị trấn thành một hệ thống thống nhất.

Dự kiến, “cuối năm 2018, đầu năm 2019, Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới