Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri về việc rút ngắn thời gian tại ngũ từ 24 tháng xuống còn 12 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cử tri kiến nghị xem xét sửa đổi thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống còn 12 tháng đối với công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Bộ Quốc phòng ngày 21/3 đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: “Cử tri phản ánh, theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ 24 tháng là dài, cử tri mong muốn nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống còn 12 tháng” .

Theo Bộ Quốc phòng, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015: “Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng”, trong tình hình hiện nay quy định trên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội.

Liên quan đến chất lượng huấn luyện, rèn luyện, sử dụng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị nên việc rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống 12 tháng cần được nghiên cứu một cách tổng thể đầy đủ và thấu đáo hơn.

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đảm bảo phù hợp thực tiễn trong tình hình hiện nay.

Ảnh minh họa: Nguyễn Bổng
Ảnh minh họa: Nguyễn Bổng

Bộ Quốc phòng cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận với nội dung: “Theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự thì sinh viên đang học các trường cao đẳng, đại học được tạm hoãn khám nghĩa vụ quân sự, còn sinh viên đang học tại các trường trung cấp thì không được tạm hoãn khám nghĩa vụ quân sự".

Cử tri kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xem xét, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng tạm hoãn khám nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên đang học các trường trung cấp.

Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2015 về trước, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân đang học tại các trường phổ thông, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

Diện tạm hoãn quy định như vậy quá rộng, gây thiếu nguồn nhân lực trong tuyển quân, không bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội, công dân ít có cơ hội để thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Thực tế, nhiều công dân lợi dụng việc đang học tập ở các cơ sở giáo dục, các loại hình đào tạo tại các cơ sở dạy nghề bậc trung cấp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ: “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”.

Như vậy, diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đã thu hẹp hơn so với quy định trước đây.

Theo Bộ Quốc phòng, để bảo đảm công bằng xã hội, công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ kéo dài đến hết 27 tuổi.

Quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân đang đào tạo trình độ cao đẳng, đại học là hoàn toàn phù hợp với đời sống xã hội và nguyện vọng của người dân trong giai đoạn hiện nay. Quy định này vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng về quyền được học tập, làm việc theo quy định của pháp luật, đồng thời, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho đất nước.

Hiện nay, diện tạm hoãn gọi nhập ngũ bình quân cả nước trên 56%, riêng tỉnh Ninh Thuận là hơn 70% so với tổng số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng nếu mở rộng diện tạm hoãn với những công dân đang học tập chương trình đào tạo trung cấp, đào tạo nghề là chưa phù hợp với tình hình hiện nay./.

Tin mới