Bổ sung cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Việt Nam đã thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp được 3 năm, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí 6 tháng đầu năm 2016 còn tăng trưởng âm.

Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến khó khăn trong định hướng chuyển ngành nông nghiệp Việt Nam sang nền sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn báo chí.

tmp/bna_57dca4bcbbb65.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Thưa ông, 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm, xin ông cho biết nguyên nhân là gì? 

Nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều năm nông nghiệp có GDP tăng trưởng âm 0,18%. Cho đến nay, nông nghiệp vốn chiếm vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và hiện có 46% lao động trong khu vực này. Do vậy, việc tăng trưởng âm là điều trăn trở chung của toàn ngành, tác động không nhỏ tới đời sống bà con nông dân, nhất là vùng khó khăn. 

Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu làm tất cả vùng sản xuất bị đảo lộn, tốc độ diễn ra khốc liệt hơn so với dự báo. Hơn nữa, Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hàng nông sản có cơ hội đi quốc tế nhiều hơn nhưng phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm hàng hóa thế giới. Do vậy, ngành nông nghiệp phải tập trung tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị tập trung bền vững.

Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã có những chuyển biến gì thưa ông?

Sau 3 năm thực hiện đề án, chúng ta đã đạt được một số kết quả ban đầu có tính chất tiền đề như: sự chuyển biến về nhận thức của doanh nghiệp, xã hội, người dân về tái cơ cấu. Điều này thể hiện ở việc 63 tỉnh thành đều có đề án, chương trình hành động cụ thể. 

Ví dụ Lâm Đồng đã ứng dụng nền nông nghiệp công nghệ cao với 25% diện tích nông nghiệp, cho thu nhập cao bình quân 243 triệu đồng/ha. Đồng Tháp đã chọn 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh như: hoa , gạo, vịt, trái cây, thủy sản để từ đó tập trung chính sách, quy hoạch vùng… Hay Hà Giang là tỉnh miền núi khó khăn nhưng đã đi sâu vào khai thác lợi thế như: rau, dược liệu, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, là một số ngành hàng đã thực hiện tái cơ cấu cho kết quả rõ nét. Ngành sữa trong 5 qua đã có sự tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, mỗi năm sản xuất 4 - 4,5 triệu tấn thịt lợn. Hiện nay, chăn nuôi theo quy mô trung bình và lớn đã chiếm tới 40%.

Tuy nhiên, tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình tái cấu trúc lại sản xuất, do đó cần có thời gian. Sau 3 năm, theo đánh giá chung tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở một số mô hình tốt, một số tỉnh sản xuất hàng hóa, còn lại phổ biến cần phải tái cơ cấu quyết liệt hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, muốn tái cơ cấu nông nghiệp thì phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này? 

Để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, doanh nghiệp (DN) sẽ là hạt nhân cốt yếu, làm nền tảng cho mọi liên kết trong nền sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, có khoảng 3.600 DN đầu tư vào nông nghiệp trên tổng số gần nửa triệu DN của nền kinh tế. Về số lượng chưa đến 1%, trong đó 90% số DN đầu tư nông nghiệp là nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, số DN lớn mang tính đầu tàu còn ít.

Nông dân ứng dụng máy móc nông nghiệp để đẩy nhanh việc thu hoạch hè thu
Sản xuất nông nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy bằng nhiều chính sách hiệu quả. 

Thời gian qua, chủ trương, chính sách, cơ chế liên tục được hoàn thiện, trong đó tập trung khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt là Nghị định 210 của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc ở một số vấn đề khiến chính sách này khó đi vào cuộc sống. Ví dụ, Nghị định 210 áp dụng trên mọi vùng miền tuy nhiên điều kiện phát triển các vùng khác nhau, chính sách chưa phân định được. Thứ hai, áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư có mức tối đa chỉ là 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó, đầu tư nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn, nhiều địa phương còn đang được Trung ương hỗ trợ ngân sách nên bản thân địa phương gặp khó có kinh phí hỗ trợ nông nghiệp. Còn Trung ương chỉ tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, một số hình thức tín dụng hay trong vấn đề tiếp cận đất đai còn đang bất cập. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan khảo sát, đánh giá, đề xuất tiếp tục có kiến nghị để sửa đổi Nghị định 210 sát thực tiễn hơn, khuyến khích DN đầu tư nông nghiêp. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ vướng mắc về việc tích tụ ruộng, đất để DN có điều kiện sản xuất lớn; tập trung nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, chủ thể là hợp tác xã. 

Theo baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới