Bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu, trong đó có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

Trong số 2,234 triệu tổng biên chế toàn quốc, có 1,68 triệu viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (gồm 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026); 680 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; gần 205.600 cán bộ, công chức cấp xã; hơn 1.300 biên chế công đoàn tạm giao cho các địa phương; 10.100 biên chế dự phòng (gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức).

Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.060 biên chế; Chính phủ 210.800; Tòa án nhân dân tối cao 15.200; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 15.860; Kiểm toán Nhà nước 2.100; Văn phòng Chủ tịch nước 90.

Chính quyền địa phương được giao 1,9 triệu biên chế. Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương gần 6.300; cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương 64.260.

Số lượng trên không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Giáo viên chuẩn bị đón trẻ đến lớp tại Trường Mầm non 19/5 (quận 1, TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Giáo viên chuẩn bị đón trẻ đến lớp tại Trường Mầm non 19/5 (quận 1, TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định số lượng và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị. Trước đây, biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết; Ban tổ chức Trung ương quản lý biên chế Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, ban đảng cấp Trung ương; cấp huyện, cơ sở do Chính phủ quyết.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, nêu rõ trong giai đoạn này, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng không cào bằng mà tùy điều kiện từng cơ quan, tổ chức.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021, thì phải vừa tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, đồng thời tiếp tục giảm biên chế theo chỉ tiêu của giai đoạn trước. Những nơi giảm biên chế vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả giai đoạn 2022-2026.

Tổng biên chế toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2021 giảm 20% so với biên chế được giao năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Tham luận tại hội nghị của ngành Nội vụ đầu năm 2021, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết luôn coi phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu trọng tâm, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc này đang có ba vấn đề lớn, gồm: quy hoạch, rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên; thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, liên quan đến thi đua khen thưởng và bồi dưỡng chất lượng.

Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục đề xuất với Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, theo yêu cầu của Quốc hội.

Tin mới