Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trang tin điện tử còn tình trạng ăn cắp bản quyền

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son cho biết, các trang tin điện tử có vai trò nhất định nhưng còn có bất cập như nạn ăn cắp bản quyền, vi phạm quyền tự do chính đáng của người khác, vi phạm an ninh quốc gia.
Trả lời phần chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tập trung vào một số vấn đề đại biểu đã chất vấn như quy hoạch viễn thông, tin nhắn rác, việc quản lý trang thông tin điện tử.
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), quy hoạch viễn thông thụ động là quy hoạch quan trọng của cả nước. Ngành viễn thông thời gian qua phát triển bền vững, dịch vụ phát triển mạnh, đạt được như vậy có vai quan trọng của hạ tầng viễn thông. Hiện có 30 tỉnh thành đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc cắm ăngten, cột phát sóng trên nóc nhà, ở khu dân cư là được phép vì hạ tầng viễn thông phải nằm trong dân cư để phục vụ tốt hơn, chỉ còn điều là phải đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân. Theo quy định, doanh nghiệp (DN) xây dựng khu chế xuất, công nghiệp, đô thị phải dành vị trí nhất định để DN viễn thông cắm các trạm, vì thế, không thể nói là Bộ TT&TT buông lỏng quản lý vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Bộ trưởng cho biết, ngành viễn thông đóng góp cho ngân sách nhà nước rất nhiều, 10 tháng vừa rồi thì các doanh nghiệp viễn thông đã có doanh thu 280 nghìn tỷ với lợi nhuận 40 nghìn tỷ và nộp thuế nhiều tỉ đồng vào ngân sách.
Trả lời câu hỏi chất vấn về tình trạng tin nhắn rác hoành hành, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, tin nhắn rác hiện có 3 nguồn: thứ nhất là sim rác. Việc quản lý sim hiện chưa chặt chẽ. Thứ 2 là nhắn tin OTT trên mạng internet. Thứ 3 là do các nhà cung cấp nội dung số CSP, cho phép họ nhắn tin quảng cáo nhưng họ lại lợi dụng hình thức này để nhắn tin rác. Thực trạng này đã gây bức xúc cho người dân như các đại biểu nêu.
Theo Bộ trưởng, ta có viễn thông phát triển nhanh và nóng, hiện ta có 126 triệu thuê bao (121 triệu di động), trong đó  có 111 triệu trả trước. Các thuê bao trả trước này quản lý chưa tốt dẫn đến sim rác, sim ảo và hầu hết các tin nhắn rác là xuất phát  từ thuê bao trả trước. Việc quản lý thuê bao trả trước là vấn đề đặt ra rất lớn đối với  ngành. Đối với các tin nhắn rác trên mạng OTT, theo Bộ trưởng, hiện mạng OTT là mạng phát triển rất mạnh mẽ, 1 số nhà mạng lợi dụng chức năng quảng cáo.  Bộ TT&TT đã ra các chỉ thị, thông tư… siết chặt vấn đề này như việc đăng ký tên người sử dụng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son giải đáp chất vấn của ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về vấn nạn sao chép tràn lan, vi phạm bản quyền trên các trang mạng xã hội hiện nay. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đã cấp phép cho 1599 trang tin điện tử tổng hợp, cùng với hàng triệu blog cá nhân trên mạng.
Trang thông tin điện tử tổng hợp có vai trò nhất định với nhiều người sử dụng. Nghị định 72 ghi rõ trang thông tin điện tử tổng hợp được trích dẫn nguyên văn một số loại văn bản. Như vậy, các trang thông tin điện tử tổng hợp là cánh tay nối dành tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước; là nơi hội tụ, chia sẻ, giao lưu đối với người dân, đem lại thông tin, hiệu ứng xã hội tốt. Ngược lại, cũng thấy các trang này có bất cập nhất định như nạn ăn cắp bản quyền, vi phạm quyền tự do chính đáng của người khác, vi phạm an ninh quốc gia. Điều 5 Nghị định 72 đã đưa ra chế tài, điều cấm đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp. Bộ đã có chấn chỉnh nhất định, có hình thức xử phạt nhưng tình trạng còn gây ra bức xúc cho xã hội. Trách nhiệm thuộc về Bộ và cơ quan quản lý các cấp. 
Thời gian qua có văn bản nhất định hướng dẫn như Thông tư 04, 20 thực hiện Nghị định 72 để quản lý, khai thác, sử dụng tốt hơn nữa truyền thông xã hội, trong đó có trang thông tin điện tử tổng hợp. Mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp quan trọng, chấn chỉnh hơn nữa sai phạm này bằng các quy định của pháp luật. "Gần đây, khi Quốc hội đang họp, chúng tôi đã thu hồi một số giấy phép các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm quy định pháp luật. Việc làm này được xã hội hưởng ứng", Bộ trưởng Son nhấn mạnh. 
Trong thời gian tới, Bộ sẽ  tuyên truyền nâng cao chất lượng trách nhiệm các nhà mạng, duy trì, theo dõi quản lý chặt chẽ hơn nữa; đề nghị các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất nhiều như Hà Nội, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa; Bộ sẽ tiếp tục cùng các cơ quan ban ngành có liên quan phối hợp ra văn bản, chỉ thị, thông tư góp phần hoàn thiện hơn quản lý hoạt động này trên môi trường mạng; mong muốn thời gian tới sẽ nâng Nghị định 72 lên thành Luật để quản lý các hoạt động trên môi trường mạng ngoài báo chí; nêu cao vai trò trách nhiệm của công dân khi sử dụng các trang mạng xã hội...
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN

Tin mới