Bộ trưởng Tài chính: Nguy cơ mất cân đối ngân sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.

Xuất hiện những yếu tố bất ổn

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KT-XH và tài chính - NSNN năm 2016, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng đã xuất hiện những yếu tố bất ổn, khó định lượng và dự báo, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2016.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 (Ảnh minh họa: KT)

 Chỉ rõ các nguy cơ, Bộ trưởng nêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2016 có dấu hiệu chững lại (GDP 6 tháng tăng 5,52%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 6,7%); giá dầu thô thế giới dao động ở mức thấp (bình quân 6 tháng khoảng 40 USD/thùng và hiện đang giao động quanh mức 45-48 USD/thùng, giảm trên 20% so với dự toán); tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung...

Theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm, mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được một số kết quả quan trọng về xây dựng thể chế, chính sách chế độ trong lĩnh vực tài chính; quản lý thu; tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, đấu tranh chống chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại; quản lý chặt chẽ các khoản chi, điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi..... Nhưng trong điều hành, vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý là tiến độ thu NSNN đạt thấp, rủi ro giảm thu lớn (chủ yếu là giảm thu ngân sách Trung ương) do giá dầu giảm và các tác động khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs); nhiều nhu cầu chi ngân sách phát sinh rất lớn cả ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới..., sẽ tiếp tục tác động đến thu NSNN, công tác điều hành NSNN 6 tháng cuối năm 2016.

Rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục xuất nhập khẩu

Trước thực trạng còn nhiều khó khăn về cân đối ngân sách quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội... đặc biệt là không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đề ra nhiều giải pháp cơ bản  trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan;cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.  

Bộ cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, mở rộng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử... Thực hiện nhiệm vụ một cửa quốc gia; giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Bộ sẽ tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra; quản lý thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh. Quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT.

Về chi ngân sách, Bộ trưởng nhấn mạnh: Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; Chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN trong trường hợp thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công

Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn; Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương; triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới