Bộ TT&TT phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” là giải thưởng thường niên được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức liên tục từ năm 2020.

Đây là năm thứ ba Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Hoạt động này cũng góp phần hỗ trợ, quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 sẽ được ưu tiên xem xét đưa vào danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan Nhà nước, danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư… Ảnh: Hiền Minh
Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 sẽ được ưu tiên xem xét đưa vào danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan Nhà nước, danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư… Ảnh: Hiền Minh

“Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 có 4 hạng mục gồm: Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm số tiềm năng.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam.

Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Do vậy, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng rộng khắp. Có những sản phẩm đã góp phần thay đổi lớn cuộc sống ở nhiều bản làng xa xôi, khó khăn mà trước đây chúng ta suy nghĩ phải rất lâu nữa mới có thể giải quyết được.

Nhờ các sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, người dân có thể quảng bá, bán sản phẩm tới mọi nơi, với chi phí phù hợp; được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao qua các giải pháp telemedicine; học tập từ xa, làm việc từ xa, tiếp cận kiến thức, thông tin phục vụ đời sống,..

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong năm nay, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ TT&TT là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để đưa những sản phẩm số này tới một thị trường rộng hơn, xa hơn, đến với mọi người dân, để họ biết được lợi ích của những sản phẩm này, từ đó tiếp cận gần hơn với không gian số.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 2 lần tổ chức, Giải thưởng đã thu hút được sự chú ý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo điều tra khảo sát của VCCI về thực trạng, xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang mong chờ công nghệ số hữu ích để ứng dụng được trong sản phẩm và quá trình sản xuất kinh doanh.

Người dùng giờ đây đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt hơn, tiện ích hơn. Giải thưởng Công nghệ số Make in Viet Nam có vai trò quan trọng nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhờ thế sẽ được hưởng lợi.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, dự buổi họp báo công bố, phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022 có lãnh đạo Văn phòng Bộ TT&TT tại Đà Nẵng; lãnh đạo Sở TT&TT; Hội Tin học TP Đà Nẵng; Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cùng đại diện các đơn vị báo chí thường trú trên địa bàn TP Đà Nẵng...

Đối tượng tham gia Giải thưởng là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần).

Giải thưởng còn dành cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp có sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã đưa vào ứng dụng thực tế. Riêng hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng chỉ áp dụng với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Các sản phẩm được tôn vinh sẽ phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là “Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam” và “Tác động, ảnh hưởng tới phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”.

Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022 bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm.

Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia Giải thưởng bắt đầu từ ngày 22/6/2022 đến hết ngày 22/9/2022. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ makeinvietnam.mic.gov.vn.

Theo Ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải vàng, bạc, đồng được nhận cúp, giấy chứng nhận đạt giải thưởng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trao Bằng khen cho đơn vị tham gia đạt giải vàng. Đơn vị tham gia đạt top 10 được nhận giấy chứng nhận giải thưởng. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào tháng 12/2022./.

Tin mới