Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên được thực hiện theo tinh thần tự nguyện

(Baonghean.vn) - Đây là chỉ đạo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An liên quan đến việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên trong dịp hè.

Liên quan đến vấn đề này, trong những ngày qua một số giáo viên trong tỉnh có thắc mắc về việc một số Phòng Giáo dục và Đào tạo ra thông báo yêu cầu các nhà trường đăng ký bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong dịp hè với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Một số giáo viên cũng cho rằng, việc học là chưa cần thiết khi hiện nay việc nâng hạng cho giáo viên đang còn bị gián đoạn và việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn đang được các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh.

Luật Viên chức năm 2010 cũng quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”.
Luật Viên chức năm 2010 quy định “Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Ảnh: Mỹ Hà

Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm nay (22/6), Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ra văn bản về việc tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, để việc tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp của giáo viên đúng đối tượng, trên tinh thần tự nguyện và đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quán triệt rõ các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư mới), Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản liên quan của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) để phối hợp với Phòng Nội vụ chuẩn bị phương án triển khai mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên khi có văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hiện Nghệ An có khoảng 22.000 giáo viên đủ điều kiện được nâng lương sau khi được nâng hạng. Ảnh: Mỹ Hà
Hiện Nghệ An có khoảng 22.000 giáo viên đủ điều kiện được nâng lương sau khi được nâng hạng theo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mỹ Hà

Các đơn vị cũng cần rà soát cơ cấu hạng, đối chiếu với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, lập danh sách giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ; giáo viên tiểu học hạng II, III cũ; giáo viên mầm non hạng II, III cũ chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng theo các Thông tư mới đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên. Trong đó, đặc biệt là những giáo viên được hưởng lợi về lương sau khi được bổ nhiệm vào hạng theo các Thông tư mới.

Đồng thời, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt, sau đó gửi danh sách đã được Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt về Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo mới trực tiếp thông báo cho giáo viên trong danh sách đã được UBND cấp huyện phê duyệt; những giáo viên đó, nếu có nhu cầu, nguyện vọng tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu, thì tự nguyện làm đơn đăng ký. Khi có danh sách cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên. 

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid- 19 để lựa chọn thời gian, hình thức bồi dưỡng phù hợp, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Riêng, đối với các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19), thì tạm dừng việc triển khai đăng ký và tổ chức bồi dưỡng.

Liên quan đến việc nâng hạng cho giáo viên, từ ngày 20/3/2021, 4 thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bao gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành. Những thông tư này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường theo các bậc học từ mầm non tới trung học phổ thông.

Đặc biệt, từ ngày 20/3/2021, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới cũng sẽ thay đổi. Trong đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98). Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98). Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).

Hiện, theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Nghệ An có khoảng 22.000 giáo viên sẽ có lợi về lương nếu được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng theo Thông tư mới.

Tin mới