Bơm không dùng điện, tự đưa nước sạch lên độ cao gần 1.300 m

Hệ thống đường ống áp lực cho module cấp nước không dùng điện dùng công nghệ bơm kết hợp với turbine có công suất 1.500 m3/ngày, đêm.

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Viện quản lý nước và lưu vực sông - Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường (KIT) Cộng hòa Liên bang Đức đã nghiên cứu và lắp đặt hệ thống đường ống áp lực cho module cấp nước không dùng điện (công nghệ PAT) tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Nhờ công nghệ PAT, nước được đưa từ thủy điện Séo Hồ (độ cao 705 m) lên bể chứa đặt ở Má Ú (độ cao 1.250 m), sau đó phân phối tới thị trấn Đồng Văn và các xã lân cận.

Bơm không dùng điện, tự đưa nước sạch lên độ cao gần 1.300 m ảnh 1

Nhóm nghiên cứu tiếp cận công nghệ bơm tại Đức. Ảnh: NVCC.

Sở dĩ không cần dùng điện là vì nhóm nghiên cứu đã tận dụng độ chênh áp lực của cột nước (H) được tích trữ và sử dụng để làm quay hệ thống turbine, hệ thống turbine khi quay sẽ tạo ra một động năng nhất định.

Nguồn năng lượng này có thể chuyển hóa thành điện năng ở các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, trên thực tế, động năng đó được chuyển tiếp sang hệ thống turbine khác nối trực tiếp với hệ thống máy bơm cao áp. Hệ thống máy bơm này sẽ bơm một phần nước áp lực lên cao. 

Bơm không dùng điện, tự đưa nước sạch lên độ cao gần 1.300 m ảnh 2

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra tại nhà máy bơm nước, thôn Xéo hồ, xã Thài phìn Tủng, huyện Đồng Văn tháng 10/2017. Ảnh: NVCC.

Công nghệ bơm PAT không dùng đến các nguồn năng lượng bên ngoài, nó còn cho phép phát điện để thắp sáng và vận hành chính hệ thống máy bơm và cấp nước có thể được áp dụng cho thủy điện. 

Nhờ hệ thống này bà con thuộc thị trấn Đồng Văn và các vùng phụ cận đã được cấp nước sạch là hơn 1.500 m3/ngày đêm) hoàn toàn tự động dựa vào sức nước mà không dùng nguồn năng lượng nào khác.

Nhiệm vụ "Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm tại một số khu vực thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang" thuộc Chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thực hiện theo Nghị định thư do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Tin mới