Bóng đá Olympic hay và hấp dẫn ở mức nào?

(Baonghean.vn) -Sẽ không ai so sánh bóng đá nam Olympic với World Cup, EURO hay Copa America, đơn giản tuyển Olympic thực chất là U23+2, chứ không phải là đội tuyển quốc gia.

Ví như U23 Việt Nam cộng với Hùng Dũng, Trọng Hoàng đi dự SEA Games vừa rồi thì hoàn toàn không phải là đội tuyển Việt Nam hiện do Ngọc Hải làm đội trưởng. Nhưng nếu nói bóng đá Olympic không có gì đáng xem, không có gì đáng nói thì đó là sai lầm vô kể, sai lầm rất đáng tiếc. Vì sao?

Trước hết đó là “đất diễn” của các tài năng trẻ bóng đá trên toàn thế giới và một vài ngôi sao quá tuổi được tin cậy dẫn dắt đàn em ở một giải đấu lớn, thực chất là một kỳ World Cup của tương lai.

Bóng đá ở Olympic thực chất là một kỳ World Cup của tương lai.
Bóng đá ở Olympic thực chất là một kỳ World Cup của tương lai.

Nhiều người nhớ đến bóng đá Liên Xô cũ, tất nhiên giữ mãi ấn tượng về tiền vệ Mikhailipchenko, cầu thủ quá tuổi được bổ sung, đoạt HCV cùng đội tuyển Olympic Liên Xô ở Xơ-un 1988; nhớ bóng đá trẻ châu Phi làm chấn động thế giới với chiến thắng của đội tuyển Olympic Nigieria trước đối thủ sừng sỏ Argentina, trong đó ngôi sao Kanu cực kỳ nổi bật và quyến rũ tại Olympic Attalanta 1996. Và mới cách đây một kỳ Olympic, ngôi sao Neymar đã dẫn dắt đội Brazil giành HCV, cho đến nay vẫn là thành tích duy nhất ở cấp thế giới của cầu thủ này…

Để rồi, sau mỗi kỳ Olympic, các cầu thủ trẻ (và cả cầu thủ quá tuổi), như bước ra từ ánh sáng, sau khi thu nhận được rất nhiều bài học khi đối đầu với những đối thủ đến từ các châu lục khác nhau, lối đá khác nhau, sở trường, sở đoản khác nhau.

Nhiều người biết Mikhailipchenko sau đó từ Liên Xô đã ra nước ngoài thi đấu (điều hiếm thấy lúc bấy giờ) và khá thành công. Kanu cũng nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch và thời vàng son của anh gắn với thành công vang dội của Arsenal ở Giải Ngoại hạng Anh. Còn Neymar thì khỏi phải nói tới về độ hot của ngôi sao này và thiên hạ đã phải tốn rất nhiều tiền, báo chí tốn rất nhiều giấy mực liên quan đến mỗi cú chạm bóng, mỗi hành vi trong và ngoài sân cỏ.

Rõ ràng, Olympic thi đấu nhiều môn hấp dẫn, nhưng số 1 vẫn là bóng đá, cả nam và nữ. Kỳ Olympic này ở Tokyo – Nhật Bản chậm mất 1 năm do đại dịch Covid-19 nên các đội bóng đá nam thi đấu thực chất là U24+2. Đáng nói thay, người hâm mộ và giới chuyên môn lại dồn sức chú ý xem cầu thủ nào quá tuổi được gọi bổ sung vào các đội tuyển Olympic lần này. Đó là hậu vệ cánh Alves (Brazil), tiền vệ Ceballos (Tây Ban Nha), trung vệ Bailly (Bờ Biển Ngà)…Tuy nhiên, trong số rất nhiều cầu thủ trẻ dự Olympic, có những cái tên nổi bật vừa thi đấu ở EURO như các tuyển thủ Tây Ban Nha Pedri, Olmo.., tuyển thủ Brazil Richarlison, tuyển thủ Pháp Gignac…Đặc biệt, người hâm mộ và giới chuyên môn sẽ không thể bỏ qua màn trình diễn của 2 đại diện châu lục là Hàn Quốc và Nhật Bản với những ngôi sao quen biết như Lee Dong-jun, Kim Dong-hiun…hay Yosida, Kubo, Nakayama…

Dù là giải bóng đá nào thì người ta đều coi ứng viên vô địch hàng đầu là Brazil, lại không được phép đánh giá thấp Argentina hay Đức, đừng quên lục địa đen luôn đem đến sự bất ngờ, cũng đừng bao giờ xem thường các đội bóng chủ nhà, lần này là Nhật Bản…Nghĩa là, bóng đá Olympic cũng mang đầy đủ tính truyền thống của các đội bóng hàng đầu, tính bất ngờ của các đội ngựa ô, của các đội vừa thua ở giải khác nay về đây tìm lại cơ hội…

Tất nhiên bóng đá Olympic và bóng đá nói chung ảnh hưởng sâu đậm đến mọi nơi, mọi lúc trên thế giới, là niềm mong mỏi của bất cứ nền bóng đá lớn nhỏ nào về cơ hội một đôi lần đến với sân chơi Olympic để thử sức mình, để chiến thắng và để...thất bại, làm bài học quý giá về sau.

Ở Việt Nam, bóng đá nam, nữ chưa có cơ hội được thi đấu ở Olympic dù đã ở rất gần và hy vọng cánh cửa này sẽ mở ra trong thời gian tới.

Tin mới