Bóng đá trẻ và những toan tính đường dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nói cho cùng, đánh giá một nền bóng đá, người ta xem xét chất lượng hệ thống giải vô địch quốc gia, các câu lạc bộ hàng đầu tham dự các cup khu vực, châu lục, liên châu lục và nhất là chất lượng, kết quả thi đấu của đội tuyển quốc gia.

Còn các giải bóng đá trẻ từ U23 trở xuống thường chỉ được xem là giải…phong trào hay bán chuyên, là cơ sở ban đầu, là “nguồn” để xây dựng đội tuyển quốc gia thi đấu chính thức trong hệ thống thi đấu hàng năm của FIFA.

Vậy nên, cách làm bóng đá trẻ của từng nước không hoàn toàn giống nhau tuy đều có chung mục đích cuối cùng là tạo nguồn trực tiếp cho đội tuyển quốc gia. Chẳng hạn, ở Giải U23 Đông Nam Á 2022 mới đây, bên cạnh các đội bóng đưa tới giải các tuyển thủ U23 đúng tuổi thì Thái Lan mang đến lứa U19, còn Việt Nam mang đến các cầu thủ U21+. Vậy nên, chiến thắng của Quang Nho và đồng đội tại giải này dù rất đáng ngợi ca trong bối cảnh chống chọi với đại dịch Covid-19 thì người ta cũng không quên lưu ý rằng, việc lứa U21 giành chiến thắng trước lứa U19 không phải là điều gì quá bất ngờ hay đặc sắc, chưa kể việc chỉ thắng sát nút 1-0 lại là điều phải xem lại sức lực mình trước hết?

Ở SEA Games 31, tình hình cũng xảy ra tương tự khi mỗi đội chọn một cách khác nhau dù điều lệ giải cho phép điều nọ, điểm kia, như việc cho mỗi đội bổ sung 3 tuyển thủ trên 23 tuổi (kỳ SEA Games 30 cho phép bổ sung 2 người quá tuổi). Trong khi các đội bóng mạnh nhất, tham vọng nhất đều chú trọng bổ sung đầy đủ 3 nhân tố trên 23 tuổi như U23 Việt Nam, U23 Thái Lan và U23 Indonesia, thì U23 Philippines chỉ bổ sung 2 người, thậm chí U23 Malaysia và U23 Campuchia quyết chọn con đường không bổ sung cầu thủ nào quá tuổi mà đội bóng trẻ phải “tự lực cánh sinh”. Ở AFF Cup 2021, Đội tuyển Indonesia đưa đến một dàn cầu thủ trẻ nhằm tạo ra xung lực mới cho bóng đá nước này và họ đã sớm hái quả ngọt, dẫu rằng khi trở lại SEA Games, điều hy vọng đó lại vụt tắt. Và đó là một tham khảo, một bài học quý cho không chỉ người Indonesia.

U23 Thái Lan có trận đấu khó khăn trước U23 Việt Nam. Ảnh: Internet
U23 Thái Lan có trận đấu khó khăn trước U23 Việt Nam. Ảnh: Internet

Ai ai cũng hiểu rằng, đó là U23 Campuchia đi từ quan điểm coi SEA Games 31 là bước tập dượt không thể tốt hơn để hướng đến SEA Games 32 được tổ chức trên sân nhà vào năm 2023 và nếu đội bóng này hướng đến một thành tích nào đó thì đó chính là kỳ thi đấu ở năm sau với những thuận lợi đáng kể ở sân nhà, khán giả nhà. Còn U23 Malaysia, chắc chắn SEA Games 31 không phải là đích đến của đội U23 mà là Vòng chung kết U23 châu Á, nơi họ cùng U23 Thái Lan và U23 Việt Nam là 3 đại diện của khu vực có mặt ở Vòng chung kết. Khi đó, chính U23 Malaysia là đội bóng ổn định nhất về lực lượng sau SEA Games để tham chiến giải đấu cấp châu lục, trong khi 2 đội bóng hùng mạnh trong khu vực lại phải bổ sung lực lượng, thay đổi người cầm quân và lối chơi trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi nên việc gặp khó khăn, lúng túng là điều dễ hiểu?

Chưa kể, khi nền bóng đá phát triển, nhiều cầu thủ trẻ được ra nước ngoài thi đấu như Thái Lan hay Indonesia thì SEA Games không phải là nơi họ bắt buộc phải có mặt như thường lệ và đội bóng chủ quản của họ không nhả quân cũng là việc bình thường. Với một cầu thủ trẻ tài năng, việc ở lại thi đấu ở nước ngoài hay trở về phục vụ đội U23 ở các giải khu vực và châu lục đều là cơ hội tốt để phát triển dù không thể nói ở đâu có kết quả nhiều hơn, có lợi hơn?

Câu chuyện U23 Việt Nam được tập trung sớm, cầu thủ quen chơi bóng cùng nhau trong nước thoạt đầu tưởng là thuận lợi nhưng thực ra đó là điều chúng ta đang đi sau, tụt hậu so với khu vực, với các nền bóng đá phát triển, nếu nhìn ở góc độ cao nhất là lực lượng cho đội tuyển quốc gia. Khi Đội tuyển Việt Nam dù đang thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup, trở về thi đấu ở AFF Cup rồi bị “qua mặt” bởi các ngôi sao Thái Lan đang thi đấu ở nước ngoài như Chanathip chẳng hạn, mới thấy rõ hậu quả nhãn tiền của vấn đề quan trọng và cấp thiết này.

Tuấn Tài ngăn chặn một đợt lên bóng của Thái Lan ở giải U23 châu Á 2022. Ảnh: tư liệu Lâm Thỏa
Tuấn Tài ngăn chặn một đợt lên bóng của Thái Lan ở giải U23 châu Á 2022. Ảnh: tư liệu Lâm Thỏa

Vậy nên, việc ông Park Hang-seo không gọi Quang Hải cho SEA Games 31 (vì lý do nếu chấn thương, việc cầu thủ này ra nước ngoài thi đấu sẽ gặp khó khăn) và gần đây, ông thầy cho Quang Hải thi đấu trọn vẹn 90 phút trong trận giao hữu “sau khi đã hỏi ý kiến” chính cầu thủ này, là minh chứng cụ thể cho câu chuyện đường dài quan trọng và cần thiết nhất hiện nay của bóng đá Việt. Và không chỉ Quang Hải, các tài năng của chúng ta hơn lúc nào hết cần được quan tâm, ứng xử, tạo điều kiện một cách căn cơ, chủ động, gần xa như thế, như cách làm của VFF với các giải trẻ, của các nước trong khu vực và trên thế giới vì mục đích cao nhất ở phía trước./.

Tin mới