Bóng đá Việt Nam, đã đến lúc cổ động viên nên nhìn lại mình!

(Baonghean.vn) - Từ cú hích tại VCK U23 châu Á, bóng đá Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía người hâm mộ. Liệu rằng, sự quan tâm đó có giúp cho các đội bóng phát triển một cách bền vững?

Câu chuyện xin được bắt đầu với đội bóng Sông Lam Nghệ An - một trong những đội bóng giàu thành tích, truyền thống bậc nhất của bóng đá Việt Nam còn trụ lại V.League và cũng sở hữu một lượng lớn CĐV cuồng nhiệt trên khắp cả nước. Tuy nhiên, một nghịch lý luôn tồn tại là SLNA năm nào cũng gặp khó khăn về tài chính.

Để bóng đá chuyên nghiệp phát triển, nguồn thu cho các đội bóng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Không đâu xa, tại Nhật Bản, Thái Lan, nguồn thu từ bán vé, áo đấu, đồ lưu niệm chỉ xếp sau bản quyền truyền hình.

V.League sau 18 năm lên chuyên nghiệp, các đội bóng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các ông bầu, các  doanh nghiệp. Còn BTC giải thì loay hoay tìm nhà tài trợ, giữ chân nhà tài trợ. Mấy ai dám vỗ ngực cho rằng họ đã tự lấy bóng đá nuôi bóng đá? Các CLB thực chất chẳng trông vào nguồn thu từ bản quyền truyền hình trong mấy chục năm qua. Đó là góc nhìn từ thượng tầng.

"Chảo lửa Thành Vinh" đã đông đúc trở lại. Ảnh: Trung Hà
"Chảo lửa Thành Vinh" đã đông đúc trở lại. Ảnh: Trung Hà

Sân Vinh kể từ trận chung kết Cúp Quốc gia 2017 đã "sống lại" với đầy ắp khán giả. Nhưng hãy nhìn lại, trước đó, có bao nhiêu trận đấu của đội bóng xứ Nghệ mà CĐV nhà đến lấp đầy khán đài B, để cho những chiếc ghế phơi mưa phơi nắng? Nên nhớ rằng, với sự cầu thị của HLV Nguyễn Đức Thắng, giai đoạn lượt về V.League 2017, SLNA thi đấu đầy nỗ lực và có những trận đấu cực kỳ thuyết phục.

VCK U23 châu Á khép lại, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh là 2 trong số những gương mặt U23 Việt Nam tạo ra hiệu ứng tích cực và lạc quan cho bóng đá nước nhà. Khán giả đến sân đông hơn xem trận tranh Siêu Cúp QG giữa SLNA và Quảng Nam trên sân Hàng Đẫy. Sau đó 4 ngày là trận SLNA gặp Johor DT tại AFC Cup trên sân Vinh ngày 28/2, khán đài A và B tiếp tục được lấp đầy. Một lần nữa nhắc lại, đó là những trận đấu sân Hàng Đẫy và sân Vinh mở cửa tự do đón khán giả.

Đặt ra một giả thiết, liệu những trận đấu đó có tổ chức bán vé thì khán giả có sẵn sàng bỏ tiền ra xem các thần tượng, đội bóng mình yêu thích thi đấu, hay phía BTC đã “làm hư” những "thượng đế" của mình?

Không! Nó hoàn toàn xuất phát từ thói quen bao lâu nay của đại bộ phận CĐV Việt Nam. Các cầu thủ thì rất cần một bầu không khí sôi động để tạo động lực, khán giả làm đẹp cho trận đấu. Đến sân, ai chẳng muốn thắng, ai chẳng muốn được phục vụ, mặt cỏ phải đẹp như Ngoại hạng Anh, chất lượng chuyên môn cao và nhiều cảm xúc. Và nữa, nếu được tặng áo miễn phí và vào sân miễn phí thì quá tốt. Suy nghĩ này đi ngược lại với sự phát triển chuyên nghiệp.

SLNA chưa tạo được nguồn thu từ bán áo đấu chĩnh hãng. Ảnh: SLNA FC
SLNA chưa tạo được nguồn thu từ bán áo đấu chính hãng vì thói quen người hâm mộ chỉ thích áo rẻ tiền. Ảnh: SLNA FC

Năm 2014, khi Kappa nhảy vào tài trợ áo đấu cho SLNA, đội bóng xứ Nghệ không bán nổi 1 chiếc áo vì đồ chính hãng có giá hơn 1 triệu đồng, vượt quá khả năng và túi tiền của người hâm mộ. Năm 2017, SLNA được Mitre - hãng thể thao danh tiếng của Anh tài trợ áo đấu và SLNA bắt đầu triển khai bán nhưng câu chuyện vẫn không khấm khá hơn. Những chiếc áo Mitre có giá hơn 300.000 đồng được nhà tài trợ trợ giá xuống còn khoảng 180.000 đồng nhưng vẫn phân phối một cách nhỏ giọt.

HLV Nguyễn Đức Thắng than thở: “Khi tôi lên làm HLV, tôi đã trăn trở điều đó. Hiện nay chúng tôi đã triển khai việc bán áo đấu nhưng vấn đề kinh tế cũng như khoảng cách giữa áo chính hãng và hàng nhái đang khá lớn. Áo chính hãng được CLB phân phối sẽ có giá đắt hơn nhưng một chiếc áo nhái chỉ có 70.000 - 80.000 đồng, phù hợp với túi tiền và kinh tế của người lao động Việt Nam. Một chiếc áo có giá 300.000 đồng, người hâm mộ ở nước ngoài mua một chiếc áo đó là họ nghĩ rằng đang đóng góp một phần nhỏ cho đội bóng. Tôi rất mong người hâm mộ hãy thay đổi thói quen tiêu dùng, SLNA sẽ làm được điều đấy”.

Như vậy, sự thay đổi từ một phía của các đội bóng V.League sẽ hoàn toàn vô tác dụng nếu như CĐV Việt Nam không tự ý thức được rằng, giá trị chiếc áo, đồ lưu niệm hay tấm vé mà họ mua tỷ lệ thuận với những gì họ nhận được khi đến sân. Đó là cảm xúc, đó là sự thỏa mãn đam mê và tình yêu chứ không phải khi vui thì chớ, khi buồn lại bỏ đi./.

Tin mới