Bóng đá Việt Nam và 'bóng ma' tiêu cực

(Baonghean.vn) - Bóng đá Việt Nam không chỉ có những ánh hào quang ở cấp độ ĐTQG mà ở các giải bóng đá VĐQG, các giải đấu trẻ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tiêu cực. Mới đây nhất là trường hợp tiêu cực của các cầu thủ trẻ Đồng Tháp tại vòng loại Giải U21 quốc gia 2019.

Hẳn nhiều người vẫn còn chưa quên các vụ tiêu cực, dàn xếp tỷ số trong bóng đá từ cuối thập niên 1990 liên quan đến 5 - 6 đội bóng, trong đó có đội Công an TP Hồ Chí Minh, U23 Việt Nam tại SEA Games 23 (Bacolod, Philippines), đại án trọng tài 2005 hay vụ tiêu cực của CLB Ninh Bình tại AFC Cup 2014.

Những vụ án đó đều để lại hậu quả rất nặng nề cho chính những người trong cuộc, bị cấm thi đấu vĩnh viễn và một nền bóng đá với nhiều vết “sẹo” không lành, niềm tin mất trắng. Người hâm mộ, đồng đội đau một thì nỗi đau của gia đình, người thân của các cầu thủ bị kỷ luật còn lớn hơn gấp bội.

Từ năm 2019, bóng đá Việt Nam lại một lần nữa bị đặt trong tình trạng báo động khi cầu thủ Nguyễn Văn Quân của CLB XSKT Cần Thơ đá bóng thẳng về lưới nhà tại giải hạng Nhất trong sự ngỡ ngàng của đồng đội, đối thủ và khán giả xem truyền hình.

Xét thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc này, Ban kỷ luật VFF đã ra quyết định kỷ luật phạt 20 triệu đồng, đình chỉ thi đấu đến hết lượt đi Giải hạng nhất quốc gia 2019 đối với cầu thủ Nguyễn Văn Quân (XSKT Cần Thơ) vì hành vi tự đá bóng vào lưới nhà. Về phía cựu đội trưởng của Cần Thơ, anh cho rằng đó là tai nạn, lỗi kỹ thuật nhưng vẫn bị kỷ luật.

"Bóng ma" tiêu cực có thể tấn công các cầu thủ bất kỳ lúc nào, ngay cả với các cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: ST
"Bóng ma" tiêu cực có thể tấn công các cầu thủ bất kỳ lúc nào, ngay cả với các cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: ST

Tuy nhiên, chỉ hơn 20 ngày sau, ban giải quyết khiếu nại Liên đoàn bóng đá Việt Nam quyết định giảm án kỷ luật cho cầu thủ Nguyễn Văn Quân – đội trưởng XSKT Cần Thơ, đồng ý giảm số trận cấm thi đấu cho Văn Quân từ 11 xuống còn 7. Số tiền phạt 20 triệu đồng vẫn giữ nguyên.

Rõ ràng, quyết định từ phía các cơ quan của VFF đều thiếu thuyết phục từ cách ra án và giảm án. Thứ nhất, nếu hành vi đó là tiêu cực, cần được VFF làm rõ, nghiêm trị và án phạt lẫn quyết định giảm án là không làm thỏa lòng dư luận. Ngược lại, nếu Nguyễn Văn Quân trong sạch, cầu thủ này cần được minh oan rằng anh vô tội, và việc vẫn phải nhận án kỷ luật là một sự bất công.

Cũng trong năm 2019, các cầu thủ trẻ Đồng Tháp bị phát hiện tham gia cá cược trong trận hòa Vĩnh Long 1-1 ở vòng loại bảng C tại Giải U21 quốc gia 2019 diễn ra vào tháng 6. Kết quả được cơ quan công an điều tra được, có 11 cầu thủ đá chính thì 9 người tham gia đá theo kèo cá cược đã đặt cùng với 2 cầu thủ nữa ở đội hình dự bị. Không chỉ vậy, các cầu thủ trẻ Đồng Tháp còn thi đấu theo kèo cá cược thêm hai trận khi khoác áo CLB Gia Định ở Giải hạng Nhì 2019.

Đến năm 2020, Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiếp tục phải gửi hồ sơ trận Đắk Lắk - Bình Định tại giải U19 Quốc gia 2020 sang cơ quan công an để điều tra nghi ngờ làm độ. Trong trận đấu trên sân Pleiku, cầu thủ Bình Định thi đấu một cách bất thường, để cho Đắk Lắk dễ dàng ghi 6 bàn. Đến phút bù giờ, thủ môn Y Êli NiÊ của Đắk Lắk đưa bóng thẳng đến chân tiền đạo đối thủ, để tiền đạo của Bình Định rút ngắn cách biệt xuống 2-6.

Thủ môn Y Êli Niê đang bị treo giò vì nghi ngờ bán độ. Ảnh: ST
Thủ môn Y Êli Niê đang bị treo giò vì nghi ngờ bán độ. Ảnh: ST

Ngày 7/3/2020, ban kỷ luật VFF ra quyết định kỷ luật đối với những người có liên quan trong vụ việc này. Có 6 cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp, quyết định còn lại là hủy kết quả 6-2 của U19 Đắk Lắk trước U19 Bình Định. Thủ môn Y Êli NiÊ – cựu thủ môn U23 Việt Nam là cầu thủ duy nhất của Đắk Lắk bị phạt 5 triệu đồng và cấm thi đấu 2 trận.

Các giải đấu trẻ như U19, U21 quốc gia đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tiêu cực. Riêng ở Giải U19 quốc gia, đây là năm thứ hai liên tiếp giải đấu này xảy ra những vấn đề, nghi vấn về dàn xếp tỷ số. Rõ ràng, các CLB không thể chủ quan trước những vụ việc xảy ra liên tiếp như vậy. Bóng ma tiêu cực trong bóng đá đang quanh quẩn và có thể tấn công các cầu thủ trẻ vốn hiếu động, chưa có ý thức chuyên nghiệp bất kỳ lúc nào.

Mới đây, HLV Hoàng Anh Tuấn vừa lên tiếng về thất bại tại giải U19 Đông Nam Á, ông không phủ nhận trách nhiệm về chuyên môn và trách nhiệm quản lý của mình. Tuy nhiên, việc có 9 cầu thủ trong đội U18 Việt Nam vi phạm kỷ luật có thể là một thông tin không mấy sáng sủa cho tương lai bóng đá Việt Nam.

Các cầu thủ U18 Việt Nam đang là tương lai của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VFF
Các cầu thủ U18 Việt Nam đang là tương lai của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VFF

Ở một diễn biến khác, nhiều lần Sportradar (đối tác của VFF, VPF) đã gửi các văn bản cảnh báo một số trận đấu có dấu hiệu tiêu cực trong năm 2019 từ những dữ liệu bất thường thu thập được từ nhà cái. Điều đáng lo ngại là những trận đấu này thuộc phạm vi các giải trẻ và ngay lập tức, hồ sơ được gửi sang cơ quan điều tra.

Đối với các giải VĐQG trong nước, có một tồn tại hiện nay chính là việc giám sát trọng tài, trọng tài khi đến các sân bóng làm nhiệm vụ, các CLB địa phương đều phải chi tiền ăn ở, đưa đón dù họ đã nạp 500 triệu đồng tiền lệ phí tham gia giải. Vấn đề này vẫn tồn tại suốt hàng chục năm qua và đây chính là một điều bất hợp lý, dễ xảy ra mầm mống của tiêu cực.

Nên nhớ rằng, chúng ta đang hướng đến một Giải VĐQG trong sạch, có sức hút từ đó hướng đến mục tiêu tham dự World Cup 2026 và gần nhất là mục tiêu dự U20 World Cup 2021 đối với bóng đá trẻ. Vấn đề chăm bẵm các tài năng không chỉ là chuyện đào tạo đá bóng mà vấn đề văn hóa, đạo đức cũng hết sức quan trọng.

Hiện nay, các cầu thủ tại các CLB đều được lực lượng công an địa phương theo dõi thường xuyên và ít nhiều. Tuy nhiên, dù án phạt và chế tài xử lý có nghiêm khắc đến đâu, VFF, BTC giải có mạnh tay như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức về nghề nghiệp, đạo đức của các cầu thủ cần được các đội bóng lưu tâm. Nếu ngay cả các đội bóng cũng không quán triệt, gương mẫu và giáo dục cầu thủ để giữ gìn sự trong sáng, tinh thần cao thượng của thể thao thì hậu quả là rất khó lường.

Bóng đá Việt Nam và những cuộc 'cách mạng' về chiến thuật

Bóng đá Việt Nam và những cuộc 'cách mạng' về chiến thuật

(Baonghean.vn) - Cùng với sự phát triển của bóng đá thế giới, bóng đá Việt Nam nói chung và ĐTQG cũng có con đường thay đổi, "tiến hóa" mô hình, sơ đồ chiến thuật tương đối rõ nét dù có thể chậm hơn ở từng thời điểm. Tuy nhiên, với 3-4-3 và bản biến thể của nó, HLV Park Hang-seo đang giúp chúng ta có những bước đi tiên phong.

Tin mới