Bóng đá Việt và những việc cần làm ngay sau kỳ AFF Cup

(Baonghean.vn) - Giải bóng đá được coi là lớn nhất khu vực AFF Cup 2021 vừa kết thúc và để lại khá nhiều dư âm trong giới chuyên môn và người hâm mộ.

Việc ĐT Việt Nam không vượt qua được vòng bán kết trước đại kình địch Thái Lan cho thấy thực lực hiện tại của bóng đá Việt, dù 4 năm qua thành công chiếm vị trí “chủ đạo” trong đà đi lên khi ông Park Hang-seo giữ vai “thuyền trưởng” đầy tin cậy. Nhưng xem xét thật kỹ, có thể thấy, câu chuyện của bóng đá Việt không chỉ liên quan đến bóng đá Thái, mà còn cả với Indonesia hay Singapore khi các nền bóng đá này cũng đang có sự vận động, đi lên mạnh mẽ.

Để giành lại ngôi vua khu vực, ĐT Thái Lan khi hội đủ binh hùng, tướng mạnh cho thấy đánh bại họ là điều không hề dễ dàng, dù ai đó có thể làm khó Chanathip và đồng đội trong một hiệp đấu? ĐT Việt Nam có thể gây khó cho ĐT Thái Lan trong hiệp 2 trận bán kết lượt đi và hiệp 1 trong trận bán kết lượt về, cũng như ĐT Indonesia chỉ có thể làm khó người Thái đúng 1 hiệp trong trận chung kết lượt về (tất cả đều đến khi người Thái đã dẫn trước và họ chủ động lùi sâu để bảo vệ tỷ số). Còn lại, dù chơi với đội hình nào, thiếu 3-5 vị trí được coi là trụ cột thì mọi việc vẫn xuôi chèo mát mái như dự tính của họ.

Các chân sút của Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) vừa có một kỳ AFF Cup thất vọng. Ảnh: Thế Vũ - TTXVN
Các chân sút của Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) vừa có một kỳ AFF Cup thất vọng. Ảnh: Thế Vũ - TTXVN

Những kết quả có được của người Thái bắt nguồn từ việc tổ chức chuyên nghiệp Thai League từ nhiều năm nay và mùa giải 2021 vừa qua dù dịch bệnh phức tạp vẫn đi đến cùng về đích thành công chứ không phải bỏ dở như V. League? Để từ đó người Thái có các ngôi sao nổi trội ra nước ngoài thi đấu như Chanathip, Theerathon… bên cạnh việc gọi về những Thái kiều như Dolah, Bihr, Roller… khiến cho đội hình đã mạnh lại càng mạnh hơn so với các đối thủ trong khu vực.

Trong khi đó, các đối thủ của ĐT Việt Nam như Indonesia hay Singapore dù vẫn có những vấn đề nội bộ đáng bàn nhưng bước đi lên của họ là đáng phải suy ngẫm và xem xét. Sau thành công của bóng đá Việt Nam với ông thầy người Hàn Quốc, bóng đá Indonesia mạnh tay hơn với việc mời gọi ông thầy còn “khủng” hơn là ông Shin Tae-yong, nguyên HLV trưởng ĐT Hàn Quốc và ngay lập tức cho thấy tài năng của vị chiến lược gia này.

Đó là một tầm nhìn xa, một sự lựa chọn và xây dựng lực lượng bài bản và hơn ai hết là ý chí chiến đấu đến cùng trước bất kỳ hoàn cảnh nào. ĐT Indonesia tin dùng lứa cầu thủ trẻ, chỉ giữ lại một vài nhân tố trụ cột và gọi thêm các cầu thủ Indo kiều như cách làm của Thái Lan. Họ dám chấp nhận thất bại tạm thời ở vòng loại World Cup, thậm chí ở AFF Cup nhưng sẽ hướng tới thành công ở SEA Games, thậm chí AFF Cup vào cuối năm nay khi càng thi đấu càng trưởng thành vượt bậc.

Pha tranh chấp bóng giữa các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) và Đội tuyển Thái Lan trong trận bán kết lượt đi. Ảnh: VNN
Pha tranh chấp bóng giữa các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) và Đội tuyển Thái Lan trong trận bán kết lượt đi. Ảnh: VNN

Cùng lúc, sau 4 kỳ đoạt ngôi vô địch AFF Cup, người Singapore bỗng nhiên từ bỏ trào lưu nhập tịch cầu thủ thành công vang dội và trở lại với “cây nhà, lá vườn” dù gặp không ít khó khăn. Nhưng như trận đấu bán kết lượt về đầy năng lượng của ĐT Singapore dù bị mất người trước Indonesia, có thể thấy theo thời gian, đây sẽ là đối thủ đáng gờm với bất kỳ đối thủ nào. Điều đáng nói là dù qua bất cứ “triều đại” HLV nào thì ĐT Singapore vẫn chơi với một phong cách duy nhất, không lẫn vào ai khác: chơi bóng bổng, tận dụng tối đa các tình huống cố định, khai thác tối đa sai lầm của đối thủ.

Xem ĐT Singapore thi đấu, có thể không hấp dẫn nhưng vô cùng hiệu quả, họ tấn công không nhiều, chủ yếu chơi sở trường phòng ngự-phản công nên thường không mất sức, đủ khả năng chiến đấu đến những giây phút cuối cùng. Nói điều này để nhớ lại ĐT Việt Nam gần đây khi tấn công dồn dập mà không ghi được bàn thắng thì đồng nghĩa với việc nhanh chóng giảm sút ý chí, để lỏng phía sau để đối phương khai thác, trận bán kết lượt đi với Thái Lan là ví dụ điển hình. Thậm chí, trước các đối thủ yếu như Campuchia hay Lào, các cầu thủ Việt Nam càng về cuối trận càng xuống sức, muốn ghi thêm bàn thắng mà “lực bất tòng tâm” như đã thấy…

Chơi lấn lướt cả trận đấu nhưng Đội tuyển Việt Nam vẫn không thể ghi bàn vào lưới Indonesia. Ảnh: VFF
Chơi lấn lướt cả trận đấu nhưng Đội tuyển Việt Nam vẫn không thể ghi bàn vào lưới Indonesia. Ảnh: VFF

Hẳn nhiên, giới chức trách, ban huấn luyện và mỗi tuyển thủ Việt Nam đều đã nhận thức được những bài học nằm lòng và nhanh chóng bắt tay vào guồng quay không ngừng nghỉ của bóng đá khu vực và thế giới. Việc chọn lứa U21 tham gia giải đấu U23 khu vực tới đây là một cách đi đúng, đáng hoan nghênh và cổ vũ.

Và chắc chắn phải tích cực tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài, bổ sung cho các đội tuyển từ các nguồn trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, phải tổ chức V. League thực sự chuyên nghiệp về mọi mặt, thực hiện khắt khe quy định về cầu thủ ngoại, cầu thủ trẻ trong đội hình các CLB để vừa chăm lo phát triển của cả nền bóng đá, nguồn lực cho các đội tuyển lẫn thương hiệu của các CLB, cho các ngôi sao ra nước ngoài thi đấu phù hợp để nâng cao bản lĩnh, năng lực…

Không thể chậm trễ dù là một ngày, một giờ khi bóng đá khu vực dù mang tiếng “vùng trũng” nhưng đang tiến những bước không ngờ bằng nhiều cách làm hiệu quả khác nhau. Không chỉ người Thái trở lại, mà người Indonesia, người Sigapore… cũng đang phả hơi nóng hầm hập sau lưng chúng ta để lấy lại ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng rồi đấy./.

Tin mới