Brazil - Hoa Kỳ: Thắt chặt tình tâm giao

(Baonghean) - Được ví như “Donald Trump” của Brazil, Tổng thống mới của nước này Jair Bolsonaro vốn có nhiều quan điểm tương đồng với người đứng đầu nước Mỹ.

Thậm chí trong không ít phát biểu kể từ khi đắc cử hồi tháng 10 năm ngoái, ông Bolsonaro còn khẳng định sẽ đi theo con đường của Tổng thống Trump. Với chuyến thăm Mỹ đang diễn ra, Tổng thống Brazil đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu hâm nóng và thắt chặt quan hệ đồng minh giữa hai bên.

Đất nước Brazil
Đất nước Brazil. Hình minh họa
Mỹ là ưu tiên hàng đầu
Chuyến thăm Mỹ lần này là chuyến công du nước ngoài song phương đầu tiên kể từ khi ông Jair Bolsonaro đắc cử Tổng thống Brazil hồi tháng 10 năm ngoái và chính thức nhậm chức ngày 1/1 đầu năm nay. Dư luận không hề ngạc nhiên với điểm đến đầu tiên mà ông Bolsonaro lựa chọn. Nhìn lại kể từ khi nhậm chức, ông Bolsonaro trong các tuyên bố của mình đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với các quan điểm và chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể kể đến chính sách “Nước Mỹ trên hết”, việc Mỹ rút khỏi các tổ chức, hiệp ước đa phương hay mới nhất là quan điểm đối với cuộc khủng hoảng Venezuela.
Thế mới có chuyện, không ít báo chí đã gọi ông Bolsonaro là “Donald Trump của Brazil”. Tổng thống Bolsonaro còn khẳng định sẽ đưa đất nước theo như định hướng của nước Mỹ hiện nay và coi Tổng thống Trump là “một tấm gương để noi theo”.

Về phần mình, ngay khi ông Bolsonaro đắc cử, Tổng thống Trump đã gọi điện chúc mừng nhà lãnh đạo mới của Brazil. Trong lễ nhậm chức của ông Bolsonaro hồi tháng 1, người ta còn thấy sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chuyến công du Mỹ nhiều mục tiêu chiến lược. Ảnh: AFP
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chuyến công du Mỹ nhiều mục tiêu chiến lược. Ảnh: AFP
 Dù đã đến Thụy Sỹ để dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2019 tại Davos, Thụy Sỹ hồi tháng 1 vừa qua, nhưng chuyến công du Mỹ lần này là chuyến thăm song phương nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Bolsonaro. Hàng loạt trọng tâm hợp tác cũng đã được đặt ra trong chuyến công du lần này. Đặc biệt như về kinh tế, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của Brazil. Là nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, nhưng Brazil đã phải chật vật đối phó với khủng hoảng kinh tế những năm qua. Dù đã có một vài dự báo khả quan, nhưng nước này vẫn cần những khoản đầu tư mạnh mẽ từ các đối tác lớn hàng đầu như Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Bolsonaro cũng đã nhiều lần khẳng định sẽ ưu tiên các mối quan hệ song phương. Bởi thế, những cái bắt tay như với đồng minh Mỹ chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu cho Brazil dưới thời chính quyền Bolsonaro, thay cho các định chế hợp tác khối Thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRICS (gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Không chỉ là kinh tế

Không những tập trung vào các hợp tác kinh tế, chắc chắn Tổng thống Bolsonaro sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Mỹ trong nhiều vấn đề khác. Trước hết, Tổng thống Bolsonaro đang có kế hoạch tìm mua máy bay không người lái, đồng thời muốn vời đến sự hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề công nghệ để tiến hành triệt phá các băng nhóm tội phạm, ma túy cũng như nạn tham nhũng vốn đang hoành hành ở nước này. Trong tuyên bố trước khi lên đường thăm Mỹ, Tổng thống Bolsonaro cũng cho biết, một trong những mục đích chính trong chuyến công du lần này là ký một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ phóng vệ tinh ở Brazil.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được ví như
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được ví như "Donald Trump Brazil"
Bên cạnh đó, Brazil cũng muốn tìm kiếm những tiếng nói tương đồng trong loạt vấn đề đối ngoại như tăng cường và gia tăng sức ép với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Bolsonaro luôn có quan điểm cho rằng, việc Nga ủng hộ chính quyền ông Maduro là một nguy cơ “đáng lo ngại” có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực. Với Brazil, quốc gia láng giềng phía Bắc là Venezuela vốn đang ngâp trong khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng chắc chắn sẽ kéo theo làn sóng di cư ồ ạt sang các nước lân cận. Tất nhiên trong đó có Brazil! Bởi thế hồi tháng 1 vừa qua, trả lời báo chí về việc liệu sự lo ngại này có đồng nghĩa Brazil sẽ cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở nước này hay không? Và câu trả lời là Brazil chắc chắn sẵn sàng đàm phán về khả năng đó.
Không chỉ ứng phó với Venezuela, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Brazil có lẽ còn tìm kiếm quan điểm chung cho mối quan hệ với Trung Quốc. Nhìn lại giai đoạn trước, Brazil đã dịch chuyển quan hệ đối ngoại thân thiện hợp tác hơn với Trung Quốc và Nga với việc tham gia tích cực vào nhóm BRICS đồng thời xa rời Mỹ và phương Tây. Trung Quốc từ năm 2009 cũng đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil. Thế nhưng dưới thời Tổng thống Bolsonaro, mọi chuyện có lẽ sẽ hoàn toàn đảo ngược. Ông Bolsonaro trong một tuyên bố từng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang tận dụng tình hình kinh tế khó khăn của Brazil để thâu tóm các công ty năng lượng chiến lược của Brazil. Và điều này sẽ không tiếp diễn dưới thời của ông Bolsonaro.

Trong khi đó về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ ủng hộ thiện chí của Brazil để Trung Quốc không dễ dàng thực hiện chiến lược gây dựng vai trò và sự ảnh hưởng ngay tại “sân sau” của Mỹ. Tất nhiên, đây cũng sẽ là thông điệp mặc cả hữu hiệu của Mỹ đối với đối thủ hàng đầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Rào cản nội bộ

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Bolsonaro từng nhắc đến khả năng chuyển Đại sứ quán Brazil tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, đi ngược lại truyền thống ủng hộ Palestine suốt nhiều năm qua. Chắc chắn rằng, nội dung này cũng sẽ được hai nhà lãnh đạo nhắc tới trong chuyến công du lần này của Tổng thống Brazil. Thế nhưng, mục tiêu này của ông Bolsonaro thực tế không dễ dàng thực hiện do vấp phải sự phản đối của các quan chức quân đội trong nội các.

Ông Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ khi nắm quyền luôn có quan điểm ủng hộ quan điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Không chỉ vậy, ngành nông nghiệp và công nghiệp của Brazil thời gian qua cũng bày tỏ quan điểm phản đối việc chuyển Đại sứ quán này. Đơn giản, điều này đồng nghĩa sẽ khiến các nước Arab tức giận. Đây vốn là khách hàng khổng lồ của ngành công nghiệp thịt cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác của Brazil. Có lẽ, điều này lý giải cho việc cho đến thời điểm này, dù từng tuyên bố ủng hộ Mỹ nhưng ông Bolsonaro vẫn do dự trong việc chuyển Đại sứ quán của nước này tại Israel đến Jerusalem trong chuyến thăm Israel dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Trong khi đó cần nhắc lại rằng, hồi năm ngoái, giữa sự phẫn nộ của cử tri đối với các đảng phái trong nước cũng như sự phân cực, chia rẽ trong xã hội và nền chính trị, ông Bolsonaro đã trở thành Tổng thống cánh hữu đầu tiên của Brazil kể từ thời kỳ độc tài, sau nhiều năm do các đảng cánh tả lãnh đạo. Bởi thế, bất kỳ một bước đi sai lầm nào của ông Bolsonaro cũng sẽ trở thành “mũi dùi” của dư luận. Và quan hệ với Mỹ cũng là một trong số đó! Đơn cử như việc Brazil hủy đăng cai Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) cũng như cảnh báo rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã vấp phải chỉ trích nặng nề của các nhà hoạt động môi trường trong nước.

Bởi thế, không phủ nhận hàng loạt mục tiêu chiến lược của cả Mỹ và Brazil đã được đặt ra trong chuyến thăm của Tổng thống Brazil Bolsonaro. Thế nhưng, việc cân nhắc hài hòa các quan điểm trong nội bộ chính trường và các mối quan hệ với các đối tác như Mỹ hay Trung Quốc, sẽ là thách thức không nhỏ mà ông Bolsonaro phải vượt qua.

Tin mới