Bức tranh buồn 'bóng đá chuyên nghiệp' Việt Nam

(Baonghean.vn)- Sau 17 năm tổ chức V.League, hầu như không CLB nào sống nổi bằng kinh doanh bóng đá và họ cũng không biết bắt đầu từ đâu. 

Ngày 08/ 03/ 2013 Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuần sau sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện 'Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030' do Bộ Văn Hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức. Nhìn lại chặng đường 4 năm thực hiện chiến lược, mới thấy còn rất nhiều điều phải làm.

Đích đến

Mục tiêu chính giai đoạn 2012 – 2020 của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á. 

Hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, bao gồm: Giải Vô địch quốc gia (V- League), Giải hạng nhất, Giải Cúp quốc gia, Giải siêu Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Giải hạng Nhì quốc gia, Giải hạng Ba quốc gia, các giải trẻ quốc gia (U21, U18, U15, U13, U11), giải bóng đá nữ, giải Futsal và giải bóng đá bãi biển. Số lượng câu lạc bộ bóng đá phong trào năm 2020 đạt tối thiểu 7.500 câu lạc bộ. 

HAGL là CLB duy nhất đáp ứng được tiêu chuẩn bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Internet.
HAGL là CLB duy nhất đáp ứng được tiêu chuẩn bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Internet.

Số lượng vận động viên trẻ (U11- U18) được đào tạo tập trung đạt từ trên 4.000 vận động viên/năm. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có từ 10 - 15 cán bộ tham gia ban chấp hành và các ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC); có ít nhất 10 trọng tài chính, 20 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn trọng tài FIFA.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành thể thao đề ra 7 nhiệm vụ lớn, gồm: nâng cao chất lượng các đội tuyển quốc gia nam, nữ; phát triển bóng đá chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng V.League và các giải khác trong hệ thống thi đấu quốc gia; quy hoạch đào tạo VĐV năng khiếu, trẻ; phát triển bóng đá phong trào; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá...

VFF lại xây dựng ba dự án quan trọng là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá 2016-2020; mục tiêu tốp 10 châu Á; phát triển bóng đá học đường. Xác định bóng đá chuyên nghiệp là “con gà đẻ trứng vàng” nên VFF và cả các CLB chuyên nghiệp khẳng định sẽ tự chủ kinh phí hoạt động.

Bức tranh sân cỏ Việt Nam

Sau 4 năm thực hiện, trong các mục tiêu của chiến lược đặt ra đến năm 2020 chỉ có duy nhất bóng đá nữ ít được quan tâm đầu tư nhất, là đạt (xếp thứ 6-7 châu Á), fusal đã có thành tích quốc tế. “Giấc mơ” giành 2-3 chức vô địch AFF Cup, SEA Games, đứng trong tốp 15 châu Á của bóng đá nam còn quá xa vời và đầy hão huyền khi 3 năm tới chỉ còn 2 kỳ AFF Cup (2018, 2020) cùng 1 kỳ SEA Games (2019). Và căn cứ vào thành tích tại vòng loại Asian Cup 2019, hiện tại đội tuyển nam Việt Nam chỉ xếp khoảng thứ 19, 20 châu Á và đang có xu hướng đi xuống.

Đến giờ sau 17 năm tổ chức V.League, sau những mối lương duyên bóng đá - xi măng, bóng đá - ngân hàng, gạch…với các ông bầu, mới duy nhất HAGL có mô hình hoạt động CLB chuyên nghiệp. Hầu như không CLB nào sống nổi bằng kinh doanh bóng đá và họ cũng không biết bắt đầu từ đâu. Là một CLB chuyên nghiệp, lại vừa vô địch V.League nhưng Quảng Nam không được tham dự sân chơi AFC vì... thiếu chuyên nghiệp, không dự đủ giải trẻ theo quy định. Nó làm giảm khá nhiều uy tín của bóng đá Việt Nam.

1.	Vô địch V.League nhưng Quảng Nam vẫn không được tham dự AFC Champions League. Ảnh: Internet
Vô địch V.League nhưng Quảng Nam vẫn không được tham dự AFC Champions League. Ảnh: Internet

Khi mà các CLB, trọng tài và cầu thủ không sống bằng nguồn thu chính từ bản quyền truyền hình, bán vé và đồ lưu niệm thì khó lòng có “bóng đá sạch”. Những hình ảnh bạo lực, những “án phạt lạ”, những “tiếng còi ma mị”…đã và đang làm mất lòng tin của khá giả hâm mộ sân cỏ. Khán đài luôn trống vắng đã làm nản các nhà tài trợ, khiến cho cả VPF lẫn CLB gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí.

Việc 3 đề án quan trọng trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 là: dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá; chương trình mục tiêu tốp 10 châu Á; chương trình phát triển bóng đá học đường, nhưng lại không có bộ phận nào chịu trách nhiệm thực hiện, suốt thời gian qua mạnh ai nấy làm nên... chưa có đề án nào được triển khai khiến cho mọi việc dẫm chân tại chỗ.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới