Bức tranh toàn cảnh về Tôn giáo ở Nghệ An

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 tôn giáo hợp pháp (Công giáo, Phật giáo) và một số tôn giáo khác. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều xây dựng đường hướng hoạt động theo pháp luật, tập hợp các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”...

Đạo Công giáo ở Nghệ An có khoảng 280.000 tín đồ; 162 chức sắc gồm 3 giám mục và 159 linh mục. Nghệ An cũng là nơi đóng chân của Tòa giám mục Giáo phận Vinh (gồm công giáo 3 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình) và Trường Đại chủng viện Vinh – Thanh, nơi đào tạo các linh mục tương lai cho Giáo phận Vinh và Thanh Hóa.

Toàn tỉnh có 356 cơ sở xứ, họ đạo ở 174/480 xã, phường, thị trấn; 16 huyện, thành, thị có tổ chức cơ sở tôn giáo, 5 huyện miền núi dân tộc đều có tín đồ Công giáo nhưng số lượng ít; có 2 dòng tu hợp pháp (dòng Mến Thánh giá Xã Đoài, dòng Thừa sai Bác Ái với 24 cơ sở dòng).

Những năm qua, đồng bào Công giáo Nghệ An đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc xây dựng nên những xứ, họ đầm ấm, yên vui, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nhà nói chung. Thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, hài hòa giữa giáo hội và xã hội, bên cạnh hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng.

Trong năm 2017, bà con giáo dân tỉnh nhà đã hiến 18.542m­­­­2 đất, tháo dỡ 3.700m tường bao, đóng góp trên 12 tỷ đồng xây dựng trên 10km đường giao thông nông thôn mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đồng bào công giáo ở các địa phương tiếp tục hiến trên 8000m2 đất, tháo dỡ 2.802m tường bao, đóng góp trên 3.179 ngày công, 3,5 tỷ đồng, xây dựng 24.600m đường bê tông nông thôn…  góp phần làm cho diện mạo quê hương xứ, họ ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Về Đạo Phật ở Nghệ An đã có truyền thống từ lâu đời. Xuất phát từ đặc thù của một  vùng đất không chỉ có cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, giàu truyền thống cách mạng mà còn nổi danh với truyền thống hiếu học “địa linh sinh nhân kiệt”, tinh thần yêu nước, bác ái.

Con người Nghệ An siêng năng, cần cù, chân thật, một lòng tôn kính Tổ tiên, hướng về Đức Phật nên từ xa xưa đã có nhiều ngôi chùa được nhân dân xây dựng để thờ Phật. Những ngôi chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã. Trải qua những thăng trầm lịch sử, có lúc thịnh, lúc suy song lực lượng tăng ni, phật tử xứ Nghệ luôn đồng hành cùng dân tộc, một lòng “sống đạo, hành đạo”, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Tháng 9/2011 được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp chính quyền và Ban Tôn giáo tỉnh, Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất được tổ chức là dấu mốc vô cùng quan trọng đưa Phật giáo Nghệ An lên đà khởi sắc và từng bước ổn định.

Tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có 56 cơ sở thờ tự Đạo Phật được công nhận hợp pháp (55 chùa và 01 niệm phật đường), trong đó có 09 chùa là Di tích lịch sử văn hóa. Toàn tỉnh có 55 tăng, ni, tu sĩ (trong đó có 23 sư trụ trì các chùa), với  khoảng 85.000 tín đồ. Về tổ chức có Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo với 25 thành viên và 2 Ban Trị sự cấp huyện là Giáo hội Phật giáo Thành phố Vinh và huyện Nam Đàn.

Thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã vận động các chùa, tăng ni, phật tử xây dựng và phát huy đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Đội ngũ tăng ni, phật tử của Giáo hội Phật giáo Nghệ An luôn tin tưởng và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà.

Đặc biệt, phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và truyền thống “lá lành đùm lá rách của dân tộc”, tăng ni, phật tử luôn tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo, hoạt động an sinh xã hội như phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức mổ tim miễn phí, nấu cháo cho bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; ủng hộ đồng bào lũ lụt, mở lớp học vi tính nâng cao nhận thức về tin học cho trẻ em nghèo, phát cơm miễn phí cho học sinh mùa thi đại học, cao đẳng…với  tổng kinh phí ước tính cho các hoạt động từ thiện từ năm 2011-2017 khoảng trên 25 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cũng được các chùa, tăng ni, phật tử  tổ chức thường xuyên như  thăm, tặng quà gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ… góp phần đưa hình ảnh Phật Giáo đi vào lòng quần chúng một cách thân thiện với những giá trị nhân văn sâu sắc. Nhiều hoạt động của Phật giáo khơi gợi thiện tâm,  đức nhân văn cao cả của con người được các chùa tổ chức thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài địa bàn tham gia, như lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông, lễ dâng hoa hồng cho Đức phật vào Rằm Tháng Giêng, Lễ Vu lan báo hiếu.

Sư thầy Thích Định Tuệ – Trụ trì Chùa Phúc Thành (Hưng Nguyên) và Đức Hậu (TP Vinh) cho biết: “Mỗi một đại lễ được nhà chùa tổ chức đều hướng đến sự hồi tâm sám hối của các tăng ni, phật tử và cộng đồng dân cư trên địa bàn để con người sống thiện tâm, buông bỏ tham sân si. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều giới trẻ đến với các đại lễ này. Đây là tín hiệu vui vì họ sẽ là đối tượng lan toả rộng rãi những cái thiện, cái đẹp trong tâm hồn, trong tư duy..”

Theo ông Lưu Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh: Nhìn chung, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, theo đúng hiến chương, điều lệ. Các cuộc lễ lớn, lễ trọng diễn ra trang trọng, an toàn, đúng quy định và thu hút đông đảo tín đồ, nhân dân tham dự. Một số hoạt động tích cực của các tôn giáo đã góp phần phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc và công cuộc xây dựng, quê hương đất nước.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp, bình đẳng, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Cụ thể, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) của nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Tại Nghệ An, xác định được vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trên địa bàn, Ban Tôn giáo tỉnh và phòng Tôn giáo các huyện, thành thị đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân như: việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc các tôn giáo; xây mới và cải tạo cơ sở thờ tự; tổ chức các ngày lễ trọng (Lễ Phục Sinh, Lễ Chầu Lượt, Lễ các Thánh AnTon đạo Công Giáo; Lễ Phật Thích Ca thành đạo, Tuần lễ văn hóa Phật Giáo….)

Chỉ tính riêng trong năm 2017, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận thành lập 4 giáo họ, 4 giáo xứ, 1 cộng đoàn; phục hồi 5 chùa Phật giáo. Các cấp chính quyền và ngành chức năng đã thực hiện giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho 7 cơ sở đạo Công giáo, 5 cơ sở Phật giáo…

Mối quan hệ giữa chính quyền với giáo hội, chức sắc, chức việc các tôn giáo được xây dựng, củng cố theo hướng tin tưởng, chân thành, tin cậy, đồng thuận cao trong giải quyết các nhu cầu về tôn giáo và các vấn đề vướng mắc, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn có những mặt hạn chế, một số nơi xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng, về cơ bản, các chức sắc, chức việc, tăng ni phật tử trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn “sống đạo giữa đời”; đồng lòng thực hiệt tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giữa các tôn giáo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.