'Bức tường sắt' của Tổ quốc

(Baonghean.vn) - Cách đây 82 năm, ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (họp tại Ma Cao, Trung Quốc) đã thông qua "Nghị quyết về đội tự vệ". Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Ngày này đã đánh dấu mốc son ra đời và trở thành Ngày truyền thống dân quân tự vệ (DQTV) Việt Nam. Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập 3 thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Từ những đội “Tự vệ đỏ” - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Du kích Ba Tơ, Quân du kích Nam Kỳ, các đội du kích hoạt động trong các chiến khu trên khắp cả nước… đều được tổ chức trên cơ sở lực lượng chính trị của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm nòng cốt cho khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị Pháp - Nhật, giành chính quyền cách mạng về tay công nông (8/1945).

(Dân quân tự vệ thời chiến.  Ảnh tư  liệu
Lực lượng Dân quân tự vệ thời chiến. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng Dân quân tự vệ, du kích không thoát ly sản xuất làm lực lượng nòng cốt đánh địch ở địa phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Những tổ chức dân quân tự vệ, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể bổ sung cho bộ đội chủ lực” .

Nhờ đó, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích đã có bước phát triển vượt bậc từ khoảng chục vạn người trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tăng lên khoảng 1 triệu người đầu năm 1946, có quy mô rộng khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới giăng khắp núi rừng, đồng bằng, đô thị.

Các chiến sỹ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. (ảnh tư liệu)
Các chiến sỹ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu

Thực hiện chủ trương “biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta”, với các loại vũ khí thô sơ trong tay, những Dân quân tự vệ, du kích đã dựa vào địa hình, địa vật của xóm làng, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân tiến hành diệt ác, trừ gian, góp phần xây dựng, mở rộng và bảo vệ các vùng căn cứ; đồng thời, phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch trong các đô thị, thành phố, thị xã.

Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, nhất là Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động của Dân quân du kích phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công mạnh mẽ, góp sức lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích hai miền Nam - Bắc tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Lực lượng dân quân tư vệ tải đạn ra chiến trường. Ảnh tư liệu
Lực lượng dân quân tư vệ tải đạn ra chiến trường. Ảnh tư liệu

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965 - 1973), Dân quân tự vệ miền Bắc phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng (chiếm 12% dân số miền Bắc), được biên chế, tổ chức thành các trung đội, đại đội, có nơi thành lập tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn; được trang bị các loại vũ khí phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu của từng lực lượng.

Trên các địa phương miền Bắc, phối hợp với lực lượng công an nhân dân lập nhiều thành tích, giữ vững an ninh trật tự, Dân quân tự vệ còn là lực lượng nòng cốt và linh hồn trong các phong trào sản xuất, chiến đấu: “Tay cày, tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “Tiếng hát át tiếng bom”...

Du kích, tự vệ Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu
Du kích, tự vệ Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, Dân quân tự vệ còn là “mắt xích” quan trọng trong lưới lửa phòng không ba thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ở miền Nam, các Đội tự vệ vũ trang, du kích xuất hiện làm nòng cốt hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị chống chính sách bình định của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đến năm 1960, Dân quân tự vệ, du kích miền Nam phát triển khoảng 10.000 người với các Đội tự vệ, Đội du kích ở các thôn, xã, ấp. Kết hợp phương châm đấu tranh “hai chân”, “ba mũi”, “ba vùng” của Đảng, quân và dân miền Nam đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Dân quan xã Diễn Hùng (huyện Diễn Châu) dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ.
Dân quân xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ. Ảnh tư liệu

Dân quân tự vệ, du kích phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh bại các chiến thuật chiến tranh mới “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, gom dân, lập Ấp chiến lược của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, để chủ động chuẩn bị đối phó với đối tượng tác chiến mới, lực lượng cách mạnh miền Nam trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, mà Dân quân tự vệ, du kích là một thành phần trọng yếu đã phát triển nhanh chóng.

Quán triệt phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, Dân quân tự vệ, du kích là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tác chiến ở các làng xã; bảo vệ dân, bảo vệ địa bàn; đồng thời, sẵn sàng bổ sung tăng cường lực lượng cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân cả nước trong Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dân quân tự vệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh - “Bức tường sắt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dân quân tự vệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh - “Bức tường sắt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt hơn tám thập kỷ qua, Dân quân tự vệ xứng đáng với lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” .

Trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới”, Dân quân tự vệ vẫn được coi là lực lượng nòng cốt xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh hiện nay, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới