Bùng phát bệnh thủy đậu ở trẻ em lúc giao mùa

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh, tình hình bệnh thủy đậu đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh đang gia tăng nhanh. Người bị thủy đậu nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách có thể bị biến chứng nguy hiểm. 

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận điều trị cho 118 ca. Tính từ ngày 3 - 10/2, đã có 29 ca trẻ bị mắc căn bệnh này. Ngoài trẻ em, gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn nhập viện.

Như trường hợp bệnh nhân Lê Thị Thành (22 tuổi) và con Lê Tuệ Lâm (4 tháng tuổi) ở xóm Thái Quang, xã Nghi Thái (Nghi Lộc), nhập viện ngày 5/2. Chị Thành kể lại, trước khi nhập viện, 2 mẹ con cùng bị nổi mụn nước ở mặt, lưng, bụng, nên đi khám thì được bác sỹ cho biết là bị bệnh thủy đậu, được yêu cầu nhập viện để điều trị và theo dõi chứng bệnh. Hiện tại, sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn còn sốt nhẹ, nốt mụn nước ở mặt và toàn thân, có nốt đã khô và có những nốt bị bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, bệnh nhân vẫn đang được bác sỹ điều trị tiếp tục. 

Bác sỹ Trần Thái Phong khám cho bệnh nhân bị bệnh thủy đậutại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.
Bác sỹ Trần Thái Phong khám cho bệnh nhân bị bệnh thủy đậu tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền

Tương tự, bệnh nhân Trịnh Anh Khôi (4 tuổi) nhập viện vào ngày 07/2 do mắc bệnh thủy đậu, nổi bỏng nước toàn thân. Mẹ cháu kể lại: “Sau mấy ngày nghỉ Tết, tôi thấy con bị nổi các mụn nước ở mặt và sau đó lan ra toàn thân, cháu sốt cao, ăn, ngủ kém, nên tôi đã đưa cháu đi khám và được bác sỹ chẩn đoán là mắc bệnh thủy đậu và cho vào nhập viện. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân cũng đỡ sốt, các nốt ban toàn thân cũng có giảm, tuy nhiên các nốt bị bội nhiễm, có dịch đục, mủ trắng, hiện đang được các bác sỹ tiếp tục điều trị”.

Điều đáng nói là 2 bệnh nhân này chưa từng tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, chưa từng mắc bệnh và tiếp xúc với nguồn lây… Và hầu hết các ca bệnh đều được điều trị kịp thời nên tỷ lệ biến chứng rất thấp. Theo bác sỹ CKI Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, trong số hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu chỉ có 2 trường hợp bị biến chứng nhẹ. 

Cũng theo bác sỹ CKI Nguyễn Văn Sơn: Bệnh thủy đậu này thường bùng phát vào mùa Đông Xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa Xuân. Hiện nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường cộng đồng. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất; ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Đối với người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật. Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin đều cảm nhiễm với bệnh.

Bệnh nhân bị bệnh thủy đậu mới sinh 14 ngày đang điều trịtại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.
Bệnh nhân bị bệnh thủy đậu mới sinh 14 ngày đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền
Bệnh thủy đậu xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo. Đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Các biến chứng nặng như: viêm phổi, não, tiểu não... thường để lại di chứng.

Khi bị bệnh cần cách ly và sử dụng các vật dụng cá nhân riêng để tránh lây lan cho người khác. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày cho con bằng nước muối sinh lý, người bệnh tuyệt đối không được gãi hay làm vỡ các nốt thủy đậu. Nên sử dụng nước ấm và khăn mềm để lau người cho sạch. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Và cần lưu ý khi lau rửa phải nhẹ nhàng, tránh tác động mạnh đến các nốt thủy đậu gây vỡ và nhiễm trùng. Sau khi lau, nên sử dụng khăn mềm để thấm khô người. Dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Khi thấy người bệnh có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, mệt lả, lơ mơ, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc-xin và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 - 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 - 10 tuần. Vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm vắc-xin phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai từ 2-3 tháng cần đi tiêm vắc-xin để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, những chỗ đông người như bến xe, bến tàu. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi kể trên cần đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó. Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh cơ thể, giữ tay sạch sẽ, tránh nguồn lây bệnh.

Thu Hiền

(Trung tâm TT-GDSK)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới