Bước chuyển mình tất yếu của tổ chức công đoàn

(Baonghean.vn) - Ngày 15/10 vừa qua, Tỉnh ủy Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn Nghệ An chính thức bước những bước đầu tiên trên hành trình chuyển mình trong thời đại mới.

Quyết tâm của toàn hệ thống

Mục tiêu của kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là xây dựng tổ chức Công đoàn Nghệ An vững mạnh toàn diện, có năng lực đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động thích ứng và linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; là tổ chức chính trị vững mạnh của Đảng bộ tỉnh, là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với công nhân, lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết công dân và người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Nghệ An ngày càng lớn mạnh.

Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. ĐH: D.T
Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. ĐH: D.T

Kế hoạch đã quán triệt sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Từ đó, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát đúng, có hiệu quả, tạo bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết 02-NQ/TW.

Sự đổi mới của tổ chức công đoàn được thể hiện bằng những chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2023, phấn đấu toàn tỉnh có 175.000 đoàn viên công đoàn, trong đó khoảng 46% đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp; trên 80% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Triển khai thi công dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Bắc Vinh; dự án nâng cấp, sửa chữa Nhà Văn hóa lao động tỉnh.

Năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 190.000 đoàn viên công đoàn, trong đó khoảng 50% đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt 95%; trên 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.

Năm 2030, phấn đấu đạt 230.000 đoàn viên công đoàn, trong đó khoảng trên 60% đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có công đoàn là đoàn viên công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của công đoàn; 85% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; 100% khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đều có các thiết chế phục vụ công nhân lao động.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất bật lửa ga Thung Lai. Ảnh: Hoàng Trung
Công nhân Công ty TNHH sản xuất bật lửa ga Thung Lai. Ảnh: Hoàng Trung

Năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên công đoàn; 99% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.

Kế hoạch cũng đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa những chỉ tiêu trên. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Đối mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tổ chức Công đoàn Nghệ An đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.

Kỳ vọng những đổi thay

Đó là chia sẻ của nhiều CBCĐ và đoàn viên, công nhân lao động khối doanh nghiệp trước những nội dung trong Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Sự đổi mới này không chỉ mang lại quyền và lợi ích cho đoàn viên công đoàn nói chung là còn mang nhiều tác động tích cực đến nhiều đối tượng khác.

Công đoàn CS tại Nghĩa đàn nấu ăn cho lao động hồi hương tại các khu cách ly. Ảnh: PV
Công đoàn cơ sở huyện Nghĩa đàn nấu ăn cho lao động hồi hương tại các khu cách ly. Ảnh: PV

Thành lập năm 2012 nhưng thời gian đầu, việc vận hành của Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam gặp không ít khó khăn. Giữa chủ doanh nghiệp là người nước ngoài và công nhân người Việt không chỉ bất đồng với nhau về ngôn ngữ, văn hóa mà còn đối nghịch nhau về lợi ích, quan điểm. Không thể hóa giải những căng thẳng, đình công đã xảy ra. Chủ tịch Công đoàn công ty – anh Nguyễn Anh Thương nhớ lại: “Dưới sự quan tâm, chỉ đạo, dìu dắt của BCH Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, anh em BCH Công đoàn công ty đã giải thích hướng dẫn và trao đổi cùng lãnh đạo công ty. Sau lần đó, chủ doanh nghiệp đã hiểu rõ về tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, phối hợp cùng công đoàn triển khai các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động. Trong vai trò phụ trách chuyên môn và dẫn dắt hoạt động công đoàn, tôi nhận thấy tổ chức công đoàn có vai trò cầu nối vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thay chủ doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, phản ánh các ý kiến, động viên, khuyến khích NLĐ tự giác, có ý thức trong lao động sản xuất, qua đó giúp DN trong việc sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực”.

Tổ chức sinh nhật tháng cho người lao động là hoạt động thường xuyên tại nhiều CĐCS. Ảnh: PV
Tổ chức sinh nhật tháng cho người lao động là hoạt động thường xuyên tại nhiều CĐCS. Ảnh: PV

Cách đây 2 tháng, trong giai đoạn dịch bùng phát vừa qua, LĐLĐ huyện Diễn Châu có thêm một CĐCS mới – Công ty CP Chế tác đá Nhật Huy, thuộc Tập đoàn Nhật Huy. Hơn ai hết, những lãnh đạo doanh nghiệp này hiểu rõ tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, nhất là trong thời điểm khó khăn. Tại Công ty CP Viet Home Stone (Nghĩa Đàn) – doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn này, vai trò của tổ chức công đoàn đã được thể hiện rất thành công. Anh Nguyễn Huy Công – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Viet Home Stone chia sẻ: “Dịch bệnh đến, khi doanh nghiệp lao đao, người lao động khốn khó là khi tổ chức công đoàn phát huy rõ vai trò của mình nhất. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, tổ chức công đoàn còn là chỗ dựa tinh thần cho cả doanh nghiệp và người lao động, là cầu nối đồng cảm và tạo động lực cho cả đôi bên. Hiểu rõ điều đó nên tập đoàn đã quyết định phải thành lập tổ chức công đoàn tại tất cả các công ty con”.

Dưới góc nhìn của mình, chị Đặng Thị Thúy, công nhân thuê trọ tại KCN Bắc Vinh thổ lộ: “Những hoạt động của tổ chức công đoàn ngày càng thực chất, thiết thực. Công đoàn không chỉ có mặt ở công ty, nhà xưởng mà còn đến tận nhà trọ công nhân để chia sẻ, hỗ trợ, điều này khiến chúng tôi rất cảm kích. Cũng vì vậy  chúng tôi yên tâm hơn khi làm việc ở những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Trong những nội dung về kế hoạch thực hiện đổi mới công đoàn Nghệ An, tôi đặc biệt kỳ vọng vào các thiết chế công đoàn và trung tâm tư vấn, đường dây nóng hỗ trợ cho công nhân. Chắc chắn đoàn viên, công nhân lao động sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những đổi mới này”.

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: D.T
Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: D.T

Nhìn nhận những chỉ tiêu về phát triển đoàn viên trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Chỉ tiêu này đòi hỏi các cấp Công đoàn Nghệ An phải có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa, không để khoảng trống, khoảng trắng công đoàn tại các doanh nghiệp. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong thời gian tới là đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, nhất là công đoàn tại các doanh nghiệp để người lao động thực sự tin tưởng vào sự hỗ trợ của công đoàn. Công đoàn doanh nghiệp phải đưa đến được nhiều lợi ích vật chất và tinh thần cho đoàn viên của mình, tạo sự khác biệt về quyền lợi giữa đoàn viên và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn”.

Tin mới