Cả nước tồn kho gần 555.000 tấn đường

Trong số các cây nông nghiệp hiện nay thì mía vẫn là cây trồng có sự gắn kết chặt chẽ nhất giữa người sản xuất với các doanh nghiệp chế biến thông qua hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. 

Tuy nhiên, quá trình sản xuất kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều rào cản chưa được tháo gỡ…  

Diện tích giảm hơn 16.000ha

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, niên vụ 2016 - 2017 diện tích mía cả nước chỉ đạt 268.300ha, giảm 16.067ha so với vụ trước. Trong đó, diện tích ở vùng nguyên liệu tập trung của 25 tỉnh có nhà máy đường là 257.600ha, giảm 15.205ha. Đối với những diện tích có hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt 218.343ha, chiếm 80% tổng diện tích cả nước và giảm sâu so với kế hoạch đầu vụ.

Qua khảo sát, đánh giá, Tây Nguyên là vùng có diện tích, năng suất ổn định nhất (diện tích 56.700ha, tăng 371ha; năng suất bình quân 62,6 tấn/ha); trong khi đó, vùng Duyên hải Nam Trung bộ với điều kiện tự nhiên bất lợi, đất canh tác xấu, thường xuyên đối mặt với hạn hán nên năng suất, chất lượng cho kết quả thấp nhất.

Cả nước tồn kho gần 555.000 tấn đường

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến - Phát triển thị trường Nông sản nhận xét: “Các địa phương và nhà máy đã áp dụng nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển ngành mía đường, hầu hết diện tích đều được ký hợp đồng đầu tư tiêu thụ sản phẩm với mức giá sàn đảm bảo ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên hiệu quả từ cây mía mang lại chưa cao nên dẫn đến xu hướng giảm diện tích”.

 Thực tế là niên vụ 2016 - 2017 một số địa phương không tuân thủ theo quy hoạch, các nhà máy thiếu đầu tư liên kết với nông dân, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh vùng nguyên liệu vẫn diễn ra; giá thành sản xuất đường còn ở mức cao do giá mía nguyên liệu cao; quá trình đầu tư nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của các nhà máy chưa có chiều sâu, nhiều doanh nghiệp mở rộng công suất không cân đối với khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu…

Ngoài ra, việc thực hiện Quy chuẩn quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu chưa sát sao, nhiều nơi thực chất vẫn tiến hành mua xô, do đó chưa khuyến khích được người trồng mía đầu tư. Một vấn đề nữa là quá trình xác định chữ đường chưa nhận được sự thống nhất và niềm tin của nông dân.

Rõ ràng, ngành mía đường cả nước đang phải đối mặt với không ít rào cản.  

Lượng đường tồn kho quá cao

Tính đến ngày 15/8/2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy trên cả nước là 554.456 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 350.000 tấn.

Lượng đường tồn kho với số lượng lớn là một trong những nguyên nhân kéo theo giá cả thu mua giảm dần về sau, cụ thể đầu vụ giá đường trắng loại I (đã có thuế VAT) dao động từ 16.500 - 17.000 đồng/kg, giữa vụ 15.500 - 17.000 đồng/kg, cuối vụ 15.000 - 16.000 đồng/kg.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia nhấn mạnh đến 2 khía cạnh: Thứ nhất là lượng đường tồn kho thương mại lớn từ cuối vụ 2015 - 2016 chuyển sang; hai là thực trạng đường nhập lậu vẫn khó kiểm soát (giá đường nhập lậu từ Thái Lan ở các cửa khẩu biên giới và thị trường nội địa luôn thấp hơn đường RE trong nước từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đỉnh điểm từ tháng 4/2017 thấp hơn 2.000 - 2.500 đồng/kg).

Cả nước tồn kho gần 555.000 tấn đường

Theo số liệu tổng hợp của các nhà máy đường trên cả nước, vụ 2017 - 2018 tới đây tổng diện tích được ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 248.930ha, tăng 30.587ha. Công suất thiết kế dự kiến 159.200 TMN, sản lượng mía ép đạt 15,17 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1,42 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 600.000 tấn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chế biến - Phát triển thị trường nông sản, kế hoạch trên có thể nằm ở mức “kỳ vọng”. Trước thực trạng diện tích trồng mía ngày càng bị thu hẹp, nếu các doanh nghiệp không có sự đầu tư kỹ lưỡng thì khó đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới