Cá rô chịu lạnh phát triển tốt ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 22/11, Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức đoàn tham quan một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiệu quả tại địa bàn TP.Vinh, huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

a h 1
Thăm quan mô hình trồng hoa lan Monkara tại Trại nghiên cứu thực nghiệm và dịch vụ KHCN.

Cùng tham gia có đại diện các Sở, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Ngoại vụ, Kế hoạch & Đầu tư, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Nội vụ…

Tại TP.Vinh, đoàn đến tham quan mô hình nhân giống và trồng hoa lan Monkara và lan Hồ điệp, máy lọc nước hộ gia đình nông thôn, chiết xuất sản xuất bột hòa tan từ cây diếp cá  tại Trại nghiên cứu thực nghiệm và dịch vụ KHCN; thiết bị uốn gỗ vạn năng trong đóng tàu tại Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu; chế biến sản phẩm chức năng từ trà hoa vàng tại Công ty CP dược và Vật tư Y tế Nghệ An; Mô hình nuôi cá rô phi dòng lai xa tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) và mô hình nuôi cá rô phi đường nghiệp tại huyện Nghi Lộc; mô hình nuôi Đà điểu thương phẩm tại xã Diễn Thọ (Diễn Châu).

anh 33
Thiết bị lọc nước cho hộ gia đình nông thôn đã được ứng dụng tại huyện Quỳnh Lưu.
anh 55
Thiết bị uốn gỗ ván tàu sử dụng hơi nước nóng được ứng dụng tại Công ty đóng tàu Hải Châu.

Các mô hình trên được triển khai ứng dụng trong những năm gần đây và đã thành công, một số mô hình được nhân rộng trong thực tế, đem lại hiệu quả rõ nét cho người dân như mô hình nuôi cá rô phi dòng lai xa của gia đình anh Đậu Đức Kính, xóm 18, xã Quỳnh Văn. Năm 2013, anh Kính nuôi mô hình 1ha giống cá rô phi dòng lai xa, cá có ưu điểm chịu lạnh tốt, ăn ít, nhanh lớn, cho hiệu quả thu nhập cao.

anh 4
Sản phẩm Trà hòa tan và viên nang được chiết xuất từ hoa và lá trà hoa vàng của Công ty CP Dược và Vật tư y tế Nghệ An.

Hiện nay anh Kính đã mở rộng chăn nuôi loài cá này lên 4 ha, mỗi năm cho thu hoạch tổng sản lượng 60 tấn, sau khi trừ chi phí thu về lãi ròng 400 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình nuôi cá rô phi dòng lai xa, đến nay người dân xã Quỳnh Văn đã phát triển nhân rộng nuôi giống cá này được khoảng 30 ha.

anh 7
Mô hình cá rô phi dòng lai xa của gia đình anh Đậu Đức Kính, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu).

Hay đề tài nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị uốn gỗ ván tàu sử dụng hơi nước nóng được ứng dụng thành công trong thực tế đã thay thế phương pháp uốn ván thủ công hơ nóng bằng đốt lửa. Đề tài này do Tiến sỹ Lê Khắc Bình Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh phối hợp với Công ty đóng tàu Hải Châu thực hiện.

anh 4
Mô hình nuôi Đà điểu thương phẩm của gia đình chị Võ Thị Hằng, xã Diễn Thọ (Diễn Châu).

Ưu điểm hấp bằng hơi nước nóng hóa dẻo gỗ tốt, giữ tính chất tự nhiên của gỗ, hạn chế mục gỗ khi tiếp xúc xuống nước biển, đồng thời tăng thêm tuổi thọ của tàu khoảng 40% so với phương pháp hơ nóng trên lửa. Ngoài ra, áp dụng phương pháp này không gây nứt nẻ, cháy gỗ, uốn được nhiều hình thức, thời gian uốn nhanh, tiết kiệm sức lao động. Sau khi mô hình này thành công, thời gian tới sẽ ứng dụng rộng rãi ở các cơ sở đóng tàu trong tỉnh.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới