Ca sĩ Hương Tràm nổi mẩn đỏ khắp người vì dị ứng cấp tính

Nữ ca sĩ vào viện trong tình trạng cơ thể mẩn ngứa, nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống đến tay chân.

Đại diện của Hương Tràm chia sẻ cô bị dị ứng từ giao thừa năm 2019 khi ra Hà Nội để tập luyện cùng ban nhạc. Ban đầu chỉ ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, nữ ca sĩ nghĩ mức độ dị ứng khá nhẹ nên chủ quan, vẫn làm việc. Tình trạng bệnh ngày càng nặng, cơ thể nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống đến chân tay khiến cô phải đến bệnh viện khám chữa.

Các bác sĩ chẩn đoán nữ ca sĩ Em gái mưa bị dị ứng cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, cô bị sút cân và stress, mất ngủ thường xuyên vì quá lo lắng cho show diễn. "Mỗi lần bị áp lực, tôi đều tự bóc da tay đến rỉ máu", Hương Tràm chia sẻ. Tật bóc da tay của cô bắt đầu từ cuối tháng 10, đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Hiện tại, Hương Tràm phải uống thuốc và đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ khuyên nữ ca sĩ nên nghỉ ngơi, hạn chế đi diễn, nếu không bệnh có thể biến chứng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định, dù bị bệnh, cô kiên quyết không hủy liveshow đầu tiên trong sự nghiệp sẽ diễn ra ngày 11/1.

Ca sĩ Hương Tràm nổi mẩn đỏ khắp người vì dị ứng cấp tính ảnh 1

Cơ thể nữ ca sĩ nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống đến tay, chân. 

Theo các bác sĩ, hiện tượng dị ứng (hay còn gọi là quá mẫn) là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít gây nguy hại như bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, nấm mốc, thức ăn, thuốc, hóa chất, nọc côn trùng... (còn được gọi là các dị nguyên). Nguyên nhân gây ra các bệnh dị ứng được cho là do sự kết hợp của các yếu tố chủ thể (như tuổi, giới, chủng tộc, di truyền) với yếu tố môi trường.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bị dị ứng sưng tấy thành từng cục khắp người có thể do trời lạnh. Nguyên nhân do cơ địa của từng người. Nếu ở mức độ nặng phải xử lý bằng thuốc chống dị ứng.

Người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Nếu cơ thể tiếp tục chịu tác động bởi những yếu tố đó có thể dẫn đến bội nhiễm.

"Nhiều người bị mẩn ngứa, phù mi mắt, gây khó chịu nhưng không nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý khi có phản ứng co thắt đường thở, ngạt thở, hoặc dị ứng qua đường tiêu hóa: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy vì rất dễ dẫn tới tử vong", giáo sư nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cơ địa dị ứng thường tồn tại suốt đời trong khi các triệu chứng lại có thể thay đổi theo thời gian. Các bệnh dị ứng thường khởi phát ở trẻ nhỏ, ổn định dần ở tuổi dậy thì và tái phát lại sau đó, sớm hay muộn tùy thuộc vào môi trường sống và lối sống của mỗi cá thể. Khi bị dị ứng, người bệnh cần đến các chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Tin mới