Ca sĩ Trịnh Văn Núi: Từ cầu thủ U17 SLNA đến Quán quân Sao Mai 2022

Trong cả quá trình tham gia Sao Mai, một liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp sáng giá nhất, Núi được đánh giá là thí sinh chững chạc, có phong độ ổn định với quãng âm thanh rộng, những nốt gằn hiếm có, và cách chọn bài rất thông minh. Em lại có phong thái thi cử rất tự tin, thi mà như diễn, nghĩa là rất nhập vai, rất đầu tư nhưng không quan trọng thắng thua. “Em cũng không nghĩ mình sẽ giành được vị trí quán quân, nhưng em đã đi thi bằng sự thoải mái nhất, giải nào không quan trọng. Sau này khi nhìn lại mình luôn nghĩ đó là một mốc tuổi trẻ là dấu ấn nghề diễn của bản thân mà thôi”.

Không ai nghĩ rằng ca sĩ có vóc dáng ăn sân khấu gương mặt điển trai nhường ấy lại từng là một cầu thủ chuyên nghiệp của giải U17 SLNA. Núi kể rằng: “Em đến với bóng đá bằng niềm đam mê cháy bỏng, lúc nào cũng mơ mình sẽ thành cầu thủ chuyên nghiệp, được đá đội hình chính. Và cứ ra sân là quên hết mệt nhọc, chỉ biết có mỗi trái bóng”. Núi đầu quân cho đội trẻ SLNA từ khi mới 11 – 12 tuổi, ăn bóng đá ngủ bóng đá cũng từ đó. Cứ 2 giờ chiều trời Đông cũng như Hè, nắng đổ lửa cũng như giông gió, đều đặn Núi ra sân với khí thế của chàng trai mang nghiệp quần đùi áo số. “Mẹ nhìn em đi tập dưới nắng dưới mưa thế thì xót lắm, nhưng khi đã đam mê thì khó dứt vô cùng”. Thế rồi theo sự rèn luyện hằng năm Núi được chọn vào U17 SLNA và nghĩ chắc chắn mình sẽ gắn bó với con đường này.

Mẹ Núi, một diễn viên Trung tâm Nghệ thuật dân tộc tỉnh dù đã phát hiện con trai mình có tố chất âm nhạc từ thuở còn tấm bé nhưng chị cũng không thể lay chuyển con theo con đường nghệ thuật dù biết, con theo sẽ thành danh. “Thấy con đam mê bóng đá cũng thương lắm, thương vì con phải chịu nhiều vất cả cực khổ vì những chấn thương thể xác và cả những đau đáu về con đường tương lai. Để rồi khi thấy con có tố chất nghệ thuật cũng đâu dám bàn con rẽ hướng, vì nghĩ nó chưa đủ duyên”. Nhưng rồi trong một lần chấn thương dai dẳng, Núi quyết định chia tay với bóng đá trong sự tiếc nuối và hụt hẫng của đồng đội và ngay cả chính bản thân em.

“Vào lớp 10 khi con quyết định chia tay bóng đá tôi đã bàn bạc với con nên thử sức ở con đường ca hát, nếu không được cũng không sao mà. Không ngờ con thi đỗ thủ khoa vào Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trong sự mừng vui tột độ của tôi và sự ngỡ ngàng của cháu”, mẹ ca sĩ Trịnh Văn Núi cho biết.

“Phải chia tay với trái bóng tròn em tiếc nuối và buồn nhiều lắm, nhưng ca hát cũng là niềm đam mê thứ hai, nên sau khi xác định con đường mình sẽ đi và tận hiến thì thấy nhẹ nhõm và dần dà quen với suy nghĩ mình sẽ thành một ca sĩ chuyên nghiệp chứ không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp nữa”, Trịnh Văn Núi cho biết.

Từ nhỏ Núi đã là một chàng trai hát hay và là tâm điểm của đám đông mỗi khi em cầm mic. Những bài hát theo trend thời thượng được Núi cover thông minh nhưng mộc mạc bằng cách nghĩ và cách cảm của mình.

Cú rẽ từ bóng đá sang thanh nhạc theo thông thường cũng chỉ đáp ứng được tiêu chí của một nam sinh tay ngang có năng khiếu, nhưng với điểm số cao nhất khóa, Núi đã làm cho gia đình và bè bạn ngỡ ngàng. “Điểm thủ khoa tất nhiên là có nhiều sự thuận lợi khi bước vào chặng đường học thanh nhạc, tuy nhiên em cũng phải cố gắng rất nhiều để có thể nhập cuộc một cách tốt nhất”. Và những kỷ niệm của chàng sinh viên khoa thanh nhạc bắt đầu bằng những khó khăn rèn luyện. “Đã chọn nó và dấn thân thì lẽ dĩ nhiên là tình yêu với nghề ngày càng được nhân lên. Nhưng để đứng với nghề, tân sinh viên thanh nhạc phải luôn nỗ lực rèn luyện từ kỹ thuật thanh nhạc đến các va chạm sân khấu. Em còn nhớ nhất là cái ngày em được lên sân khấu nhưng lại phải chống nạng vì không may bị gãy chân”.

Nói không hết những bỡ ngỡ khó khăn mà chàng sinh viên thanh nhạc tỉnh lẻ phải nếm trải, bởi đã dấn thân vào nghề phải có đủ độ bền và độ bứt phá của từng cá nhân. Để rồi lúc kết thúc chặng đường học tập trong nhà trường Núi được tuyển thẳng vào Đoàn văn công Quân khu 7, em được lãnh đạo đoàn, bè bạn, đồng nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng nhiều vào chặng đường sắp tới.

“Thế rồi được sự động viên của thầy cô giáo và cũng muốn thử sức mình, em đã tìm hiểu các cuộc thi thanh nhạc danh giá. Và những mục tiêu được đặt ra trong mỗi chặng hành trình trong các cuộc thi lại bắt đầu”. Trong cuộc thi đầu tiên The voice Kid của Đà Nẵng em đã có “một phát ăn ngay giải quán quân” trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân em. Dù em được nhận xét chất giọng có quãng âm thanh rộng sáng và có độ ngân rung truyền cảm ở khu vực trung khu, nhưng trong thi cử cần nhất vẫn là sự truyền cảm trong cách nhấn nhá, trong sáng tạo, hóa thân vào nhân vật tác phẩm mà mình định chuyển tải.

Đến với Sao Mai bằng sự tình cờ, bằng cách nghĩ, thi để trải nghiệm, em chỉ có một thời gian ngắn để thông báo với gia đình và nhận được sự cổ vũ động viên từ mẹ. “Bố mẹ chẳng có gì nhiều để làm hành trang cho con chỉ có sự đồng hành bằng tinh thần và sự cổ vũ rằng, cuộc thi là một sân khấu lớn, thi để thử sức chứ không đặt nặng thắng thua”, mẹ ca sĩ Trịnh Văn Núi cho biết. Thế nên em bước vào cuộc thi bằng sự tự tin nhất, bằng cách người hát đi hát chơi ở một sân khấu lớn.

Thế nhưng để đứng được trên sân khấu lớn, những người chơi như em phải có sự tỉnh táo và mức độ rèn luyện rất khắt khe. Từ cách chọn bài đến cách nhập cuộc một tác phẩm, đều phải có sự tư vấn của các chuyên gia, cũng như sự lựa chọn đúng của bản thân mình. Những bài hát được biên tập kỹ với bản phối hay như: Quá lâu (Vinh Khuất), Cuối ngày (The Flood), Lạy trời (Đỗ Trung Dũng), Hoàng hôn tháng 8 (Phạm Toàn Thắng) đều đã được em trình diễn với sự nhập tâm và rung cảm thực sự của một nghệ sĩ chững chạc. Đây cũng chính là những tác phẩm mang lại cho em những dấu mốc đáng nhớ trong những vòng thi từ khu vực đến chung kết xếp hạng toàn quốc.

“Đặc biệt em rất thích bài “Lạy trời” nó là bài hát về chủ đề xã hội, cơn lũ vừa đi qua với những thiệt hại nặng nề, và “Lạy trời” cũng chính là nỗi lòng của người con đang ở xa ngóng về quê mẹ như em. Thế nên em hát bài này với cả tấm lòng của người con miền Trung. Có lẽ chính vì vậy em đã chạm được những rung cảm của Ban giám khảo và bài hát đã đưa em đến đỉnh vinh quang của đêm chung kết xếp hạng”, Núi cho biết.

Một ca sĩ xuất thân tỉnh lẻ lại không phải trong điều kiện khá giả hoặc được đào tạo từ bé, có được vinh quang này Trịnh Văn Núi cho rằng nó là duyên, chữ duyên này cũng như khi em đam mê và dấn thân với trái bóng, nó khiến em được thăng hoa, được sống là mình. Vì vậy khi hỏi bóng đá và ca hát có gì chung không, Núi trả lời, cũng có điểm chung đó là phải tìm được bản sắc của riêng mình, và không bao giờ được nao núng với con đường mình đã chọn.

Cũng như cái tên của mình mỗi mốc thời gian, những đích đến đều là những ngọn núi phải vượt qua, gian nan nhưng cũng vinh quang và hạnh phúc.