Các cụm công nghiệp Nghệ An thu hút 231 dự án, giá trị sản xuất 3.480 tỷ đồng/năm

(Baonghean) - Theo Quyết định số 1172/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2020, trên địa bàn Nghệ An quy hoạch phát triển 50 CCN, tổng diện tích 1.089,66 ha.

Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công thương về công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh.

PV: Quy hoạch CCN đặt ra những mục tiêu cụ thể. Vậy hiện nay công tác quản lý, xây dựng các CCN trên địa bàn Nghệ An như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Cương: Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 39 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng (lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết; lập, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và tổ chức thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh).

Trong đó có 10 CCN đã lấp đầy, 7 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng và có doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, 3 CCN đã có doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hạ tầng, 19 CCN đang san lấp mặt bằng hoặc đã lập dự án đầu tư hạ tầng, phê duyệt quy hoạch chi tiết. 

Dây chuyền may xuất khẩu tại cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành. 	Ảnh: V.P
Dây chuyền may xuất khẩu tại cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành. Ảnh: V.P

Hạ tầng ngoài CCN được quan tâm đầu tư, phần lớn các CCN lựa chọn quy hoạch đều gần các tuyến đường giao thông thuận lợi nên trong số 20 CCN đã thực hiện các bước đầu tư hạ tầng chỉ có 5 CCN phải đầu tư đường giao thông vào CCN, hiện nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tổng mức đầu tư đường giao thông vào CCN theo dự án đã phê duyệt 45.924 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện đến nay đạt 38.940 triệu đồng.

Hạ tầng kỹ thuật trong CCN ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, phần lớn các công trình giao thông, điện trong CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ vốn để địa phương đầu tư. Hiện có 8/18 CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, CCN Tháp - Hồng - Kỷ có hệ thống xử lý nước thải tập trung tương đối đồng bộ, công nghệ sinh học hiếu khí. 4 CCN đã tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và nước thải. 

Tổng vốn đầu tư của các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN theo dự án đã phê duyệt là 896,77 tỷ đồng, vốn đầu tư đã thực hiện là 261 tỷ đồng (trong đó cho hạng mục môi trường gần 57 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện chủ yếu từ ngân sách, trong đó vốn hỗ trợ theo cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từ nguồn sự nghiệp kinh tế 86,9 tỷ đồng.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy ống thép Thành Phát (cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ). 	Ảnh: Hoàng Vĩnh
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy ống thép Thành Phát (cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ). Ảnh: Hoàng Vĩnh

PV: Ông có thể đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Cương: Các CCN đã thu hút trên 231 dự án đầu tư, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu là chế biến khoáng sản, lâm sản, may mặc, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì. Tổng vốn đầu tư các doanh nghiệp CCN đạt 2.128 tỷ đồng (bình quân 9,5 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp CCN đạt xấp xỉ 3.480 tỷ đồng/năm chiếm khoảng 9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các doanh nghiệp CCN năm 2016 đạt khoảng 200 tỷ đồng. Lao động làm việc trong các CCN tính đến thời điểm cuối năm 2016 là 16.312 người. 

PV: Quá trình triển khai, xây dựng các CCN còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Cương: Công tác quy hoạch một số nơi thiếu khoa học, hệ thống hạ tầng trong CCN không đồng bộ, một số nơi thực hiện không tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN kéo dài, kết quả là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chắp vá, phát triển thiếu bền vững...

Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn ít, chủ yếu là ngân sách tỉnh và địa phương. Hệ thống xử lý môi trường nhất là xử lý nước thải, rác thải tập trung chưa được quan tâm nên vẫn có hiện tượng ô nhiễm cục bộ xảy ra.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn chưa tạo được các CCN có hạ tầng kiểu mẫu với kết cấu đồng bộ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp sạch. 

PV: Để tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, góp phần quan trọng trong khai thác có hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực sẵn có của từng địa phương, theo ông nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần chú trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Cương: Năm 2017, Nghệ An dự kiến thu hút số cơ sở sản xuất trong các CCN đạt 240 cơ sở. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN đạt 5.000 tỷ đồng. Lực lượng lao động trong các CCN đạt 17.000 người. Đóng góp ngân sách từ các doanh nghiệp CCN đạt 250 tỷ đồng.

Các giải pháp thực hiện chủ yếu là tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng CCN để kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế, kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng CCN sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm 2017.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN. Cùng đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CCN.

Thường xuyên kiểm tra việc triển khai đầu tư hạ tầng CCN; hạng mục xử lý nước thải, rác thải thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kiểm tra việc cấp phép các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh theo đúng quy hoạch. Chúng tôi cũng đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm và tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TIN LIÊN QUAN

Tin mới