Các cường quốc phương Tây tiếc vì không xây dựng căn cứ hải quân NATO ở Crimea

(Baonghean.vn) - Ngày 28/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các cường quốc phương Tây tiếc vì họ không có đủ thời gian xây dựng một căn cứ hải quân NATO ở bán đảo Crimea trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, khi người dân Crimea bày tỏ nguyện vọng trở thành một phần của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty
Phát biểu sau hội đàm với người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis, ông Lavrov nói: “Tôi hiểu một số đồng nghiệp phương Tây hối tiếc sâu sắc vì đã không xây dựng căn cứ hải quân NATO ở Crimea, song không có gì cần phải làm. Đây là tiến trình lịch sử, là nguyện vọng của người dân Crimea”. Ngoại trưởng Nga khẳng định, Eo biển Kerch là một phần lãnh hải của Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị các nước thành viên NATO, trong đó có Đức, điều tàu hải quân tới Biển Azov nhằm hỗ trợ Kiev trong bất đồng hiện nay với Nga.

Trả lời nhật báo Bild của Đức, ông Poroshenko nêu rõ: "Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất và chúng tôi hy vọng các nước trong NATO sẵn sàng bố trí các tàu hải quân tới Biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh".

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các lực lượng Nga đã đúng khi bắt giữ 3 tàu Ukraine hồi cuối tuần qua. Tuy nhiên, ông Poroshenko cáo buộc người đồng cấp Putin "chỉ mong muốn chiếm giữ vùng biển này. Ngôn ngữ duy nhất ông ấy hiểu là sự đoàn kết của thế giới phương Tây".

Phát biểu đúng vào dịp Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman sắp có chuyến thăm Berlin, ông Poroshenko nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách này của Nga. Đầu tiên là Crimea, sau đó là miền Đông Ukraine và giờ ông ấy muốn cả Biển Azov. Đức cũng cần nên tự hỏi mình: Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu chúng ta không ngăn ông ấy"?

Tổng thống Poroshenko cũng ca ngợi Thủ tướng Đức Merkel là một người bạn vĩ đại của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi Đức, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Moskva, ngừng xây dựng đường ống khí đốt dưới biển vốn sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt trực tiếp tới Đức mà không qua ngả Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức Đức cho hay lập trường của họ đối với dự án này là không thay đổi và đánh giá việc siết chặt trừng phạt Moskva, theo yêu cầu của Mỹ và nhiều chính khách châu Âu là "hấp tấp"./.

Tin mới